Chung cư Quang Trung xuống cấp, 7 hộ dân vẫn cố bám trụ đòi đền bù
Dân nghi ngờ kết luận kiểm định chất lượng tòa nhà?
Chung cư Quang Trung (TP Vinh, Nghệ An) được xây dựng từ năm 1976 và hoàn thành vào năm 1982, gồm 20 dãy nhà cao tầng, trong đó có 18 dãy nhà được thiết kế theo kiểu căn hộ khép kín và 3 dãy nhà tập thể. Riêng khu B (gồm các nhà B1, B2, B3, B4, B5, B6) có tổng số 421 căn hộ với 1.684 nhân khẩu sinh sống.
Sau 40 năm sử dụng, chung cư Quang Trung đã xuống cấp nghiêm trọng và được một tập đoàn vào đầu tư xây dựng. Giữa năm 2019, các khu nhà cũ đã được phá dỡ để triển khai xây dựng công trình mới.
Hiện, đã có 413/421 chủ căn hộ của các tòa nhà thuộc khu B chung cư Quang Trung di dời để nhà đầu tư triển khai thi công. Tuy nhiên, vẫn còn 7 chủ sở hữu của 8 căn hộ thuộc nhà B3 và B6 cố bám trụ bởi chưa thống nhất được phương án đền bù với chủ đầu tư.
Ngày 9/12, men theo cầu thang chính dẫn vào khu B3, PV ghi nhận có nhiều căn phòng bỏ trống, các cánh cửa ra vào, cửa sổ mục nát, xiêu vẹo, tường rêu loang lổ, lòi cả trụ sắt nhìn rất nguy hiểm.
Theo công văn ngày 24/11/2020 của Sở Xây dựng Nghệ An, Viện Khoa học công nghệ (Bộ Xây dựng) đã kết luận kiểm định chất lượng công trình nhà B3 và B6 thuộc khu B có mức độ nguy hiểm cấp D: Khả năng chịu lực của kết cấu chịu lực không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, nhà xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể.
Thế nhưng, chị Nguyễn Thị Hải (sống tại căn hộ 312, B3) cho biết, bố chị là ông Nguyễn Văn Thông được Nhà nước cấp cho căn hộ 312, B3 để ở.
Năm 2010, theo chủ trương của Nhà nước, ông Thông mua lại căn hộ này với giá 100 triệu đồng, hiện có 3 thế hệ với 8 nhân khẩu vẫn đang sinh sống tại đây.
Thời điểm mua nhà, ông Thông và các hộ dân tầng 1 phải đóng 70% tiền đất, các tầng cao thì đóng tiền thấp hơn. Thế nhưng, giờ nhà đầu tư vào thi công nhà mới thì lại “đền bù cào bằng” với mức giá chung 15 triệu đồng/m2, nên gia đình chị không đồng tình di dời.
Chị Hải cho biết, đã nhận được thông báo công bố kết luận về chất lượng công trình của Sở Xây dựng Nghệ An. Nhưng gia đình chị và 6 hộ dân đang bám trụ tại chung cư Quang Trung không đồng ý với kết luận về chất lượng của khu nhà như vậy, bởi “hành lang bong tróc nhưng bên trong chất lượng nhà vẫn tốt, chưa có vấn đề gì cả”.
Còn ông Võ Ngọc Mão (SN 1938, chủ căn hộ 314, nhà B3) lại cho rằng, khi có dự án, chủ đầu tư yêu cầu di dời từ giữa năm 2019 mà đến tháng 9/2020, Sở Xây dựng mới thẩm định, rồi công bố kết luận công trình nguy hiểm, liệu có khách quan?
“Chủ đầu tư không gặp trực tiếp các hộ dân mà chỉ làm việc qua phường và thành phố. Chính vì thế, việc đưa ra các chính sách đền bù chưa thỏa đáng. Chúng tôi mong muốn chủ đầu tư trực tiếp gặp dân để đối thoại”, ông Mão nói.
Có cưỡng chế nếu người dân không tự di dời?
Trước việc 7 hộ dân thuộc khu B3, B6 vẫn cố bám trụ lại, ngày 28/11, UBND tỉnh Nghệ An có công văn hỏa tốc thông báo nhà B3, B6 Khu B, chung cư Quang Trung “không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, nhà xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể”.
Cùng với đó, tỉnh Nghệ An yêu cầu UBND TP Vinh, cơ quan liên quan tổ chức vận động người dân khẩn trương di chuyển người và tài sản ra khỏi công trình này trước ngày 10/12 để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản.
Đồng thời, giao Sở Xây dựng theo dõi việc thực hiện và tham mưu việc cưỡng chế di chuyển, cưỡng chế phá dỡ nhà ở đã xuống cấp nguy hiểm theo quy định nếu người dân không chấp hành.
Liên quan tới vấn đề này, ông Đinh Xuân Trường, Chủ tịch UBND phường Quang Trung cho biết, phường đã nhiều lần tuyên truyền, vận động người dân di dời ra khỏi các căn hộ được cảnh báo ở mức độ nguy hiểm trầm trọng để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản.
Tuy nhiên, vẫn còn 7 hộ dân chưa chịu di dời vì chưa đạt được thỏa thuận về mức đền bù. “Phường cũng đã làm hết trách nhiệm”, ông Trường nói.
Ông Lê Sỹ Chiến, Phó chủ tịch UBND TP Vinh cho rằng, so với các khu nhà khác trong chung cư Quang Trung thì nhà đầu tư đã có nhiều chính sách “ưu ái” cho nhà B3, B6 hơn do đây là khu bám QL1. Các hộ dân được hỗ trợ thêm 20% giá trị mua nhà theo Nghị định 61/CP. “Hiện, 413 hộ dân đồng ý và di dời, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Điều đó thể hiện mức đền bù này là phù hợp, không gây thiệt thòi cho các hộ dân”, ông Chiến nói và cho biết thêm, dù thời gian bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư đã cận kề, UBND TP cũng nghĩ đến phương án cưỡng chế, tuy nhiên, đến thời điểm này thì phương án vận động người dân vẫn được ưu tiên hàng đầu.