Tại phiên làm việc vào sáng mai, 11/11, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sẽ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Dự án Luật đầu tư PPP cũng sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ.
Nhiều năm qua, hình thức đầu tư theo hình thức PPP được đánh giá là giúp tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng, dịch vụ công, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển.
Tuy nhiên, tiến trình triển khai các dự án PPP còn chậm, quy mô còn nhỏ so với nhu cầu đầu tư phát triển, còn nhiều vướng mắc cần sớm tháo gỡ để đẩy nhanh thực hiện các dự án trong thời gian tới.
Trước tình hình đó, dự án Luật Đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư đã được Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo để trình Quốc hội.
Tháng 9/2019, tại phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về dự án Luật. Dù tán thành với sự cần thiết phải ban hành dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, song, nhiều ý kiến trong Thường vụ Quốc hội bày tỏ sự băn khoăn về vai trò của Nhà nước trong triển khai đầu tư theo hình thức này.
Phát biểu tại phiên họp, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tính đến tháng 1/2019, có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng (trong đó, 140 dự án áp dụng loại hợp đồng BOT, 188 dự án áp dụng loại hợp đồng BT: xây dựng - chuyển giao và 8 dự án áp dụng các loại hợp đồng khác). Thông qua mô hình PPP, nguồn vốn đầu tư tư nhân đã được huy động để giải quyết nhu cầu cấp bách về đầu tư hạ tầng.
Cả nước đã huy động được khoảng 1,6 triệu tỷ đồng thực hiện đầu tư 336 dự án PPP nêu trên, góp phần tích cực hoàn thiện chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, hạ tầng đô thị, xử lý nước thải, rác thải..., kịp thời giải quyết các nhu cầu bức xúc về dịch vụ công của người dân và nhu cầu cấp bách về cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kích cầu đối với sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra những hạn chế từ thực tiễn cho thấy trong việc áp dụng hình thức đầu tư này. Theo đó, hầu hết các dự án được thực hiện kiểm toán đều áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư. Điều nay tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát và việc chọn nhà đầu tư sẽ khó đảm bảo đủ năng lực thực hiện dự án. Công tác giám sát trong quá trình thực hiện hợp đồng còn lỏng lẻo.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, một công trình trọng điểm điển hình cho việc đầu tư theo hình thức PPP.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ở các dự án thực hiện theo hình thức đầu tư PPP xảy ra bất cập về mức phí, vị trí đặt trạm thu phí, thời gian thu phí. Cơ chế giám sát, đặc biệt là các cơ chế giám sát doanh thu của nhà đầu tư, chế tài xử lý vi phạm đối với nhà đầu tư cũng như đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn thiếu, chưa chặt chẽ...
Hiện nay, cảng Hàng không sân bay quốc tế Vân Đồn và các công trình liên quan như cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt Hạ Long tại Bãi Cháy hay tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn (Quảng Ninh) với tổng chiều dài gần 60km do Tập đoàn Sun Group đầu tư được xem là những công trình điển hình cho hình thức đầu tư theo hình thức PPP.
Ngoài ra 8 dự án thành phần thuộc Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông cũng được triển khai theo hình thức PPP.