Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ngày mai mở cửa đón khách du lịch quốc tế: Vẫn còn nhiều thử thách

(VTC News) -

Sau chuỗi ngày đóng băng bởi COVID-19, từ 15/3, Việt Nam mở cửa đón du khách quốc tế với hy vọng về sự phục hồi nhưng theo chuyên gia vẫn còn nhiều thử thách.

Chuyên gia, doanh nghiệp nhận định, không thể đông khách ngay thời gian đầu mở cửa bởi vẫn cần một độ trễ nhất định, không phải tuyên bố mở cửa là khách ào vào Việt Nam.

Tín hiệu tích cực

Tháng 11/2021, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) là địa phương đầu tiên đón khách quốc tế trở lại theo chương trình "Hộ chiếu vaccine", khởi đầu lộ trình mở cửa bài bản theo từng giai đoạn của Việt Nam. Trong vòng 3 tháng sau, Việt Nam đã đón hơn 8.900 khách quốc tế.

Trong tháng 2/2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 29.500 lượt người, tăng 49,6% so với tháng trước đó và tăng 169,6% so với tháng 2/2021. Tính chung 2 tháng đầu năm, khách quốc tế ước đạt 49.200 lượt người, tăng 71,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Những con số nói trên tuy rất nhỏ so với thời điểm chưa xảy ra COVID-19 nhưng là tín hiệu lạc quan cho ngành du lịch và các đơn vị lữ hành sau 2 năm gần như đóng băng vì dịch bệnh. Năm 2022, ngành du lịch Việt Nam cũng phấn đấu sẽ đón 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế và 60 triệu khách du lịch nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 400 nghìn tỉ đồng.

Việt Nam mở cửa đón du khách quốc tế từ 15/3. (Ảnh minh họa)

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, mở cửa du lịch sẽ là thời cơ tốt để kéo ngành dịch vụ khởi sắc. "Du lịch làm tăng nhu cầu của ngành dịch vụ và với tính chất lan tỏa, nó cũng sẽ thúc đẩy các ngành sản xuất khác”, ông Lâm nói.

Chuyên gia Ngô Trí Long cũng nhấn mạnh, với những hiệu ứng dây chuyền không thể phủ nhận, du lịch là một trong những ngành mũi nhọn để tạo động lực phát triển kinh tế.

Đồng quan điểm, chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng so với các nước trong khu vực, thời điểm mở cửa du lịch của Việt Nam không phải sớm nhưng việc này sẽ giúp Chính phủ tiếp tục có các biện pháp tái cơ cấu, hồi phục và phát triển kinh tế. Theo ông Doanh, Việt Nam có rất nhiều lợi thế khi bờ biển dài, phong cảnh thiên nhiên đẹp, bên cạnh đó có độ tiêm chủng khá cao, bảo đảm việc miễn dịch cộng đồng. "Việc Việt Nam mở cửa du lịch hoàn toàn sẽ góp phần cải thiện hình ảnh trong mắt du khách quốc tế. Họ có thể thấy Việt Nam đã sẵn sàng mở cửa kinh tế một cách an toàn, từ đó các nhà đầu tư nước ngoài cũng yên tâm đầu tư”, ông Doanh nêu quan điểm.

Không phải cứ tuyên bố mở cửa là du khách vào Việt Nam ngay.

Trước thềm mở cửa ngày 15/3, nhiều doanh nghiệp cũng vui mừng thông báo đã có khách trở lại. Tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực về tài chính, con người, sản phẩm, chính sách khuyến mãi hấp dẫn, phù hợp với tình hình mới.

Chưa thể phục hồi ngay

Tuy coi đây là cơ hội vàng để du lịch Việt Nam "sống" lại, song chuyên gia khẳng định, sẽ vẫn còn rất nhiều thách thức cần vượt qua, do đó, không nên kỳ vọng rằng tình hình sẽ cải thiện trong một sớm, một chiều.

Đại diện một doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội chia sẻ, với dòng sản phẩm inbound (đón khách quốc tế vào Việt Nam), doanh nghiệp mới đang trong giai đoạn chào khách. “Việc công bố mở cửa từ 15/3 mới chỉ là cơ sở để các doanh nghiệp lên kế hoạch thu hút khách trở lại, xây dựng các bộ sản phẩm và giá bán phù hợp. Không phải cứ tuyên bố mở cửa là du khách vào Việt Nam ngay. Với những thị trường xa như châu Âu, châu Mỹ, châu Úc...để có một chuyến đi, khách phải mất từ 6 tháng đến cả năm để chuẩn bị. Chúng tôi dự đoán cuối năm 2022, đầu năm 2023 thị trường inbound sẽ phục hồi. Nếu đúng như vậy, đó cũng đã là một kỳ tích", vị này nói.

Chưa thể kỳ vọng khách quốc tế sẽ đến Việt Nam ngay sau tuyên bố mở cửa du lịch.

Trả lời VTC News, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm cũng khuyến cáo, đừng nên kỳ vọng du lịch sẽ khởi sắc ngay khi mở cửa. Để có thể phục hồi nền kinh tế thì cần phải có thời gian, bởi hậu quả của COVID-19 vẫn còn. Chắc chắn, du khách quốc tế sẽ cân nhắc khi đi du lịch thời điểm này. Ngoài ra, tình hình chiến sự giữa Ukraine và Nga cũng ảnh hưởng tới lượng khách tới Việt Nam, khi mà nước ta hằng năm thường đón đông đảo lượng du khách từ Nga và Đông Âu.

Tốc độ phục hồi không nói lên được gì, bây giờ quan trọng nhất là lượng khách vào Việt Nam có đông không? Tôi nghĩ hết năm 2022, sang 2023 thì may ra du lịch mới có thể trở lại như thời kỳ năm 2019. Bây giờ chỉ gọi là bắt đầu có tín hiệu của khôi phục”, ông Lâm nói.

Tương tự, chuyên gia Lê Đăng doanh nói: “Với riêng Nha Trang - Khánh Hòa, du khách Nga thường đến rất đông, mỗi năm có tới gần 700.000 lượt người. Năm nay e rằng sẽ mất một lượng khách lớn, khi chiến sự tại Nga - Ukraine vẫn diễn ra”.

Cũng cho rằng du lịch chưa thể phục hồi nhanh chóng sau khi mở cửa, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích đà phục hồi phải phụ thuộc vào lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Tuy nhiên, việc du khách tới nhiều hay ít lại phụ thuộc vào hai yếu tố cơ bản là công tác kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam và chế tài quy định đối với du khách nước ngoài.

"Bây giờ mở cửa chỉ mang tính chất thăm dò bước đầu, không thể phục hồi ngay được. Làm thế nào để thu hút được nhu cầu của khách? Việc này cần thời gian vừa làm vừa thí điểm, thăm dò để đưa ra chính sách phù hợp nhất", ông Long nhấn mạnh.

Tôi nghĩ hết năm 2022, sang 2023 thì may ra du lịch mới có thể trở lại như thời kỳ năm 2019. Bây giờ chỉ gọi là bắt đầu có tín hiệu của khôi phục

Ông Nguyễn Bích Lâm

Mới đây, trong thư gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính (ngày 7/3), Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cũng khẳng định, sẽ mất nhiều tháng, nếu không muốn nói là nhiều năm, để số lượng du khách quốc tế đạt được mức như trước đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, khi mở cửa, ngành du lịch còn đối diện rất nhiều khó khăn. Phát biểu tại Diễn đàn Luồng xanh cho du lịch cất cánh do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 11/3, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - cho biết, mở cửa du lịch từ 15/3, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia và điểm đến trên toàn cầu. Ở trong nước, chính sách visa chặt chẽ trong thời gian chống dịch vừa qua là một cản trở lớn đối với việc thu hút khách quốc tế. Với các quy định hiện nay thì khách quốc tế mất trung bình 15 ngày để xin visa vào Việt Nam.

Ngoài ra, còn có những khó khăn khác đến từ phía tiềm lực của doanh nghiệp lữ hành. Ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết 2 năm qua đã có gần 30% doanh nghiệp lữ hành xin rút giấy phép hoạt động, hiện chỉ còn khoảng 2.000 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành trên toàn quốc.

Sau 2 năm dịch hoành hành, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, đặc biệt là thiếu hụt nhân sự lành nghề, chất lượng cao. "Chỉ có thể khôi phục lại hoạt động du lịch thì mới thu hút được lực lượng lao động", ông Khánh nhấn mạnh.

Du lịch Việt Nam mở cửa rơi đúng thời điểm thị trường Trung Quốc vẫn đang “đóng băng”, thị trường Nga đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và xung đột Nga - Ukraine. Các thị trường nguồn khác là Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang bị kiểm soát bởi dịch bệnh nên khó có thể thu hút ngay. Khu vực Đông Nam Á có nhiều tiềm năng nhưng chi tiêu trên đầu khách không cao, sức mua giảm. Các doanh nghiệp Việt Nam thực sự rơi vào thế khó và phải cạnh tranh khá gắt gao với những nước trong khu vực như: Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines...

Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia, thời điểm này, ngành du lịch nên tập trung vào các thị trường ngách và du lịch mùa hè. Vì không có chuyện cứ tuyên bố mở cửa là khách quốc tế ào tới Việt Nam nên muốn mở cửa thành công phải tập trung vào thị trường có khả năng phục hồi trước.

Đề xuất khách quốc tế có chứng nhận vaccine và âm tính

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa trình Thủ tướng báo cáo về việc sẵn sàng các điều kiện để mở cửa du lịch, đón khách quốc tế từ ngày 15/3.

Theo đó, khách quốc tế vào Việt Nam được yêu cầu có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi) đối với khách nhập cảnh qua đường hàng không và có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính đối với khách nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường biển.

Đối với các nước, vùng lãnh thổ có yêu cầu cao hơn thì áp dụng theo quy định của nơi xuất cảnh.

Đối với khách du lịch từ 12 tuổi trở lên phải có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 6 tháng tính đến thời điểm xuất cảnh; hoặc có chứng nhận đã khỏi bệnh COVID-19 hay các giấy tờ tương đương xác nhận đã khỏi bệnh COVID-19 do cơ quan có thẩm quyền tại nước điều trị cấp trong thời gian không quá 6 tháng.

Có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 10.000 USD.

Cài đặt ứng dụng PC-COVID theo quy định của cơ quan chuyên môn và duy trì kết nối trong thời gian tại Việt Nam.

Trong vòng 24 giờ kể từ khi nhập cảnh bằng đường hàng không, khách về thẳng nơi lưu trú, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp xét nghiệm nhanh, nếu âm tính thì được tham gia du lịch, nếu dương tính thì thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý y tế theo quy định.

Đức Thiện

Tin mới