Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phía Nam nói: "Nếu cơ quan điều hành không tác động đến quỹ bình ổn thì giá xăng có thể tăng 320 - 400 đồng/lít, còn giá dầu dự kiến tăng 250 - 370 đồng/lít,kg. Trong trường hợp liên bộ Tài chính - Công Thương chi quỹ bình ổn thì mức tăng sẽ ít hơn".
Theo mô hình dự báo giá xăng dầu của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), tại kỳ điều hành ngày mai (4/7), giá xăng bán lẻ có thể tăng khoảng 1,9%. Trong khi đó, giá dầu diesel dự báo tăng 1,88%, giá dầu hỏa tăng 1,36%, còn giá dầu mazut tăng không đáng kể.
VPI cũng cho rằng trong kỳ này, cơ quan điều hành sẽ không trích lập hay chi sử dụng quỹ bình ổn.
Giá xăng trong nước có thể tăng lần thứ tư liên tiếp. (Ảnh minh họa)
Nếu những dự báo trên chính xác thì giá xăng sẽ tăng lần thứ tư liên tiếp. Trước đó, tại kỳ điều hành ngày 27/6, giá xăng E5 RON92 tăng 506 đồng/lít, không cao hơn 22.014 đồng/lít, giá xăng RON95 tăng 544 đồng/lít, không cao hơn 23.010 đồng/lít. Giá dầu diesel tăng 329 đồng/lít, lên mức 20.689 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 258 đồng/lít, lên 20.614 đồng/lít; Dầu mazut tăng 223 đồng/kg, không cao hơn 17.446 đồng/kg.
Trong kỳ này, cơ quan điều hành quyết định không trích lập và không chi sử dụng quỹ bình ổn giá đối với tất các mặt hàng.
Trên thị trường thế giới, giá dầu hôm nay giảm nhẹ nhưng vẫn được dự báo sẽ sớm quay đầu do nhu cầu dầu tại Mỹ dự kiến tăng mạnh khi vào mùa du lịch hè. Trong khi đó, những dấu hiệu lạm phát tại Mỹ đang dịu xuống khiến thị trường nuôi nhiều hy vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể cắt giảm lãi suất, sớm nhất là vào tháng 9 tới.
Những lo ngại rủi ro địa chính trị gia tăng ở châu Âu cũng như căng thẳng giữa Israel và Hezbollah góp phần nâng đỡ giá dầu. Ngoài ra, việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (nhóm OPEC +) cắt giảm sản lượng trong quý III cũng tác động lên thị trường dầu mỏ.