Trả lời VTC News trưa 20/3, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho biết, do giá xăng dầu thế giới 10 ngày qua giảm mạnh nên kỳ điều hành ngày mai, Liên bộ Công Thương – Tài chính có thể sẽ điều chỉnh giảm giá xăng và dầu.
“Nhiều dự đoán được đưa ra nhưng tôi nghiêng về khả năng giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ giảm trong khoảng từ 1.000 – 2.000 đồng mỗi lít, kg”, vị lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết.
Giá xăng được dự báo sẽ giảm mạnh vào ngày mai. (Ảnh minh hoạ)
Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 17/3 giảm mạnh so với kỳ tính giá trước đó. Cụ thể, giá xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 trung bình là 120,29 USD/thùng, chu kỳ trước là 133,83 USD/thùng; xăng RON 95 là 124,14 USD/thùng, kỳ trước là 135,5 USD/thùng.
Tương tự, giá dầu cũng có xu hướng giảm mạnh so với kỳ tính giá trước đó.
Dầu diesel nhiều thời điểm về mốc giá 111 USD/thùng (trong khi kỳ trước có thời điểm vọt lên 176 USD/thùng).
Theo giới phân tích, giá dầu thô hạ nhiệt do khối OPEC tăng sản lượng và Iran sẽ tiến hành xuất khẩu số lượng lớn dầu ra toàn cầu. Ngoài ra, dấu hiệu tiến triển trong các cuộc đàm phán hòa bình Nga - Ukraine giúp giảm nỗi lo gián đoạn nguồn cung, góp phần làm giảm nhiệt giá dầu.
Nhận định về giá dầu thời gian tới, các chuyên gia của Bloomberg Intelligence cho rằng giá dầu thô toàn cầu sẽ giảm nhiệt theo cách tương tự năm 2008. Khi đó, giá dầu đã tăng cao nhất mọi thời đại là 145 USD/thùng nhưng nhanh chóng hạ nhiệt.
Vào ngày 7/3, giá dầu thế giới tăng lên mức hơn 130 USD/thùng và đang có dấu hiệu đi xuống. Với việc giá dầu leo lên hơn 100 USD/thùng, giá xăng Việt Nam đã tăng kỷ lục lên gần 30.000 đồng/lít. Với giả định giá dầu chỉ còn 50 USD/thùng thì giá xăng bán lẻ trong nước sẽ rớt còn phân nửa, tức quanh mốc khoảng 15.000 đồng/lít. Tuy nhiên, theo lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu kể trên, giả thiết này rất khó xảy ra trong ngắn hạn.
“Không phải cứ giá xăng dầu thế giới giảm bao nhiêu, trong nước sẽ giảm bằng đó, vì còn phụ thuộc vào việc cơ quan điều hành trích lập và sử dụng quỹ Bình ổn giá (BOG) như thế nào”, vị lãnh đạo doanh nghiệp nói thêm.
Vẫn theo vị này, trong kỳ điều hành giá lần trước, nếu theo giá thế giới, Liên bộ Công Thương – Tài chính sẽ phải tăng giá xăng dầu lên cao hơn mức đã công bố. Không những thế, sau nhiều ngày đi xuống, giá xăng dầu thế giới đang có xu xướng tăng trở lại. Khi điều chỉnh giá bán lẻ trong nước, cơ quan điều hành giá chắc chắn cũng phải tính toán đến xu hướng giá thế giới những ngày tới đây.
Tuy vậy, tới đây giá xăng dầu sẽ có biến động lớn khi nghị quyết về giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đến hết năm 2022 được thực thi. Theo quyết định này, mỗi lít xăng dự kiến giảm tương ứng 2.200 đồng (gồm VAT) và giá dầu cũng được điều chỉnh 1.100 đồng.
Trước đó, tại kỳ điều chỉnh ngày 11/3, giá xăng trong nước đã đồng loạt tăng mạnh, áp sát mốc 30.000 đồng/lít. Cụ thể, xăng E5RON92 tăng 2.908 đồng/lít, giá trần là 28.985 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 2.990 đồng/lít, cao nhất là 29.824 đồng/lít; dầu diesel 0.05S tăng 3.958 đồng/lít, giá mới là 25.268 đồng/lít. Ngoài ra, dầu hỏa tăng 3.940 đồng/lít, giá trần là 23.918 đồng/lít và dầu mazut 180CST 3.5S tăng 2.519 đồng/kg, giá mới là 20.987 đồng/kg.
Giảm 2.000 đồng thuế môi trường với xăng dầu
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 31 thông qua dự án Nghị quyết gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.
Theo Nghị quyết mới ban hành này, giá xăng dầu sẽ được áp dụng với công thức giảm mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) trong từng sản phẩm.
Cụ thể, mức giảm đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.