Chợ Bến Thành (Quận 1) là địa điểm mua sắm sầm uất, nhộn nhịp bậc nhất TP.HCM. Thế nhưng từ khi dịch bệnh bùng phát, không có khách du lịch tham quan, mua sắm nên tình hình buôn bán nơi đây ngày ảm đạm tới thê thảm.
Ghi nhận của PV VTC News ngày 26/8, hơn 50% số quầy bán hàng tại chợ Bến Thành đóng cửa, dừng hoạt động. Thậm chí trước những cánh cửa cuốn được đóng là các tấm bảng cho thuê quầy, bán sạp. Một số quầy khác vẫn mở bán nhưng rất ít người mua.
Hầu hết các sạp bán hàng tại chợ Bến Thành đóng cửa vì không có khách tham quan, mua sắm.
Kinh doanh ế ẩm khiến cuộc sống của tiểu thương chợ Bến Thành gặp nhiều khó khăn.
Chị Mai, tiểu thương kinh doanh phụ kiện làm tóc cho biết, từ đợt dịch sau Tết chợ đã vắng khách, tiếp tới đợt bùng phát dịch mới đây chợ lại càng đìu hiu, cả ngày quầy chỉ tiếp vài khách.
“Một ngày tôi bán được có mấy chục ngàn thôi. Mà sạp mở bán vẫn phải đóng thuế đều đều. Rầu lắm cô ơi!”, chị Mai ủ rũ nói.
Cũng theo chị Mai, hầu hết những người thuê sạp đều trả lại mặt bằng. Còn những người có sẵn sạp thì mở cầm chừng qua ngày vì không tốn tiền mặt bằng nhưng tình hình buôn bán cũng không khá khẩm hơn, có khi còn không đủ tiền trả cho nhân viên.
Tuỳ từng vị trí mà mỗi quầy có giá thuê, bán khác nhau. Theo khảo sát, trước dịch, mỗi sạp được cho thuê với giá từ 35 -100 triệu đồng/tháng nhưng hiện tại, giá thuê hạ xuống từ 5 - 10 triệu/tháng mà vẫn không có khách thuê.
Hàng loạt quầy, sạp được treo bảng cho thuê, sang nhượng.
Chị Thanh, tiểu thương kinh doanh túi xách chia sẻ, chị đang muốn bán sạp 2 mặt tiền với giá 4,2 tỷ đồng, giảm 300 triệu so với đợt chưa có dịch.
“Tôi cho thuê với giá 40 triệu đồng/tháng. Nhưng từ khi có dịch, giá giảm còn 15 triệu đồng/tháng, hợp đồng tới tháng 6 năm sau. Hiện tại, 3 tháng gần đây tôi chỉ lấy 6 triệu đồng/tháng vì dịch bệnh người ta cũng buôn bán không được”, chị Thanh cho hay.
Tương tự, chị Nhung, tiểu thương bán quần áo cho hay, chợ Bến Thành chủ yếu bán cho khách du lịch nên khi chưa dịch, doanh thu khoảng 5 triệu/ngày. Song từ ngày dịch bệnh ập tới, tình hình buôn bán ế ẩm, có những ngày không một ai mở hàng.
“Đợt tháng 5 vừa rồi, lúc thị trường ổn định và kích cầu du lịch nội địa thì còn có khách ngoài Bắc và khách trong nước ghé tham quan mua sắm, nhưng khi bùng dịch đợt 2 ở Đà Nẵng là vắng vẻ tới giờ luôn. Nói chung tình hình căng lắm!”, chị Nhung thở dài.
Cũng theo chị Nhung, các sạp "bèo bèo" giá thuê đã lên đến vài chục triệu đồng/tháng, thế nhưng hiện giờ một ngày họ chỉ bán được vài trăm nghìn. Không đủ trả tiền thuê mặt bằng, họ buộc đóng cửa, trả quầy.
Các sạp chính chủ cũng không khá khẩm hơn. Tuy đỡ được tiền mặt bằng, nhưng vì không bán được hàng, không có lãi, đồng nghĩa với không có tiền trả cho nhân viên, tiền điện, thuế chợ... nên cũng buộc đóng quầy.
Vẫn còn một số sạp mở bán nhưng lại không có bóng người mua.
“Tôi nghĩ tương lai một số quầy khác cũng phải đóng cửa, vì không bán được thì mở làm gì. Hồi xưa ngon lành lắm còn giờ thì điêu tàn. Một số tiểu thương không trụ nổi đành phải trả sạp để kiếm việc làm khác trang trải cuộc sống.
Hy vọng nhanh chóng hết dịch để khách nước ngoài ghé tham quan, khi đó tình hình buôn bán của tiểu thương ở chợ sẽ khởi sắc trở lại”, chị Nhung chia sẻ.
Theo Ban quản lý chợ Bến Thành, hiện chỉ có khoảng 31% tiểu thương mở quầy bán trở lại. Những quầy còn lại vẫn tiếp tục đóng cửa, treo bảng cho thuê hoặc sang nhượng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chợ Bến Thành gặp phải tình trạng này.
Dịch COVID-19 xuất hiện không chỉ khiến các tiểu thương chợ Bến Thành điêu đứng mà tất cả các ngành nghề khác cũng bị ảnh hưởng.
Số liệu thống kê của Cục Thuế TP.HCM mới công bố cho thấy, trong 6 tháng đầu năm có đến 18.743 doanh nghiệp ngừng hoạt động, bao gồm 3.491 doanh nghiệp giải thể, 7.193 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động và 3.397 trường hợp doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh... trong đó, tập trung nhiều nhất ở Quận 1 và quận Tân Bình.
Xét về ngành nghề, những doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ bị "khai tử" nhiều nhất, chiếm đến hơn 38%, tiếp đến là các doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế biến, chế tạo, xây dựng và kinh doanh bất động sản.
Theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, trong tháng 5/2020, lượng khách quốc tế mới đến TP.HCM là 0 lượt, giảm 100% so với cùng kỳ năm 2019. Lượng khách quốc tế đến thành phố trong 5 tháng đầu năm 2020 giảm đến hơn 63% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ đạt gần 14,5% so với kế hoạch năm 2020.
Doanh thu của ngành du lịch, lữ hành 5 tháng qua ước đạt 4.230 tỷ đồng, giảm hơn 66% so với cùng kỳ năm trước.