Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ngày đầu xác thực sinh trắc học: Nơi siết chặt, nơi nhẹ tay, khách vẫn gặp sự cố

(VTC News) -

Ngày đầu yêu cầu xác thực sinh trắc học khi chuyển khoản, có ngân hàng chưa siết chặt quy định này, có nơi đã áp dụng ngay, trong khi khách phàn nàn gặp nhiều sự cố.

Hôm nay (1/7) là ngày đầu tiên khách hàng phải xác thực sinh trắc học khi giao dịch ngân hàng bằng Mobile Banking hoặc giao dịch chuyển tiền có giá trị lớn hơn 10 triệu đồng.

Chị Vũ Hồng Thủy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, vào sáng sớm, chị chuyển khoản 10 triệu đồng từ tài khoản của ngân hàng Vietcombank và khá bất ngờ khi không bị ngân hàng yêu cầu xác thực sinh trắc học. 

Tương tự, đến chiều nay, chị chuyển khoản 10 triệu đồng từ ngân hàng MB và cũng gặp thuận lợi, chưa phải xác thực khuôn mặt như quy định. Còn với ứng dụng ngân hàng của Techcombank, chị Thủy cho biết, chị cũng có thể thoải mái chuyển 10 triệu đồng/lần tới tài khoản khác dù chưa xác thực sinh trắc học. "Tuy nhiên, khi chuyển 10.500.000 đồng thì không thể chuyển được", chị nói.

Chị Thủy suy đoán: "Chắc một số ngân hàng chưa siết chặt quy định này, vẫn để khách chuyển khoản bình thường trong một vài ngày đầu. Đến khi khách nắm thông tin rộng rãi, hoàn thiện cài đặt ứng dụng đầy đủ hơn thì ngân hàng mới kiểm soát chặt hơn".

Không may mắn như chị Thủy, chị Hà Linh lại không thể sử dụng ứng dụng Mobile Banking của ngân hàng PVComBank ngay sau khi đăng nhập vào tài khoản. Nguyên nhân là chị chưa cài đặt ứng dụng để xác thực khuôn mặt.

Ngân hàng PVComBank ngừng cung cấp ứng dụng Mobile Banking với những khách chưa tải ứng dụng xác thực sinh trắc học. (Ảnh chụp màn hình)

Về phía khách hàng, đến hôm nay, nhiều người vẫn gặp trục trặc với việc cài ứng dụng xác thực sinh trắc học, khiến giao dịch bị ách tắc. Anh Phan Khánh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) phản ánh, anh dùng ứng dụng VCB Digital của Vietcombank, từ sáng đến tận trưa liên tục đăng nhập để thực hiện đăng ký nhưng chỉ nhận được dòng thông báo: “Yêu cầu của quý khách tạm thời gián đoạn. Xin vui lòng thử lại sau”.

Chị Bùi H., sinh sống tại làm việc tại Hà Nội cũng chia sẻ trên trang facebook cá nhân: “Cao nhân nào dùng Vietcombank đã sinh trắc học thành công vào chỉ giúp tôi với. Hệ thống báo tôi đã cập nhật sinh trắc học thành công  nhưng khi tôi chuyển tiền thì lại báo chưa có phương thức sinh trắc học hợp lệ. Vậy tôi cần làm thêm bước gì để hoàn tất thủ tục này?”.

Nhiều khách hàng gặp sự cố trong ngày đầu ngân hàng bắt buộc thực hiện xác thực khuôn mặt khi chuyển khoản từ 10 triệu đồng.

Nhiều ý kiến bình luận dưới bài đăng của chị H. cho rằng lỗi này là do ngân hàng, khuyên chị đến phòng giao dịch để khắc phục. “Còn muốn nhanh hơn thì cứ chia nhỏ số tiền ra, chuyển khoản nhiều lần sẽ được", một người khác khuyên chị H.

Trên một group cộng đồng mạng với hơn 1,3 triệu thành viên trên Facebook, dòng trạng thái của tài khoản Đ.C. phàn nàn về việc xác thực sinh trắc học đã nhận về hàng nghìn tương tác và lượt bình luận.

Đa số người cho rằng nếu dành thời gian cài đặt ứng dụng sinh trắc học từ trước đó thì đến hôm nay (1/7) không phải gặp rắc rối trong việc chuyển tiền với giá trị trên 10 triệu đồng. 

Còn những người đến tận sáng nay khi cần chuyển tiền mới bắt đầu đăng ký xác thực sinh trắc học thì gặp nhiều sự cố, rất có thể do ngân hàng quá tải. Ngay cả những người đến tận quầy giao dịch của ngân hàng để đăng ký sinh trắc học cũng phải chờ đợi do quá đông người đến đăng ký.

4 cấp độ cần xác thực

Cơ quan quản lý tiền tệ phân loại 4 cấp độ cần phải xác thực từ đơn giản tới phức tạp (phân loại từ A, B, C, D) khi chuyển khoản từ 10 triệu đồng/lần. Sự khác biệt về yêu cầu giữa các cấp độ xuất phát từ quy mô thanh toán.

Cụ thể, với giao dịch loại A, người dân chỉ cần vào bằng tên đăng nhập, mật khẩu hoặc mã PIN và không bắt buộc xác thực tại bước thực hiện giao dịch nếu đã đăng nhập trước đó. Hình thức này áp dụng với các giao dịch tra cứu thông tin; chuyển tiền trong cùng ngân hàng, cùng chủ tài khoản hoặc thanh toán dưới 5 triệu đồng.

Xác thực loại B bằng các hình thức OTP, nhận dạng sinh trắc học gắn với thiết bị cầm tay, hoặc bằng chữ ký điện tử để chuyển tiền cho người khác, nạp và rút tiền với ví điện tử. Quy mô giao dịch là dưới 10 triệu đồng mỗi lần và dưới 20 triệu đồng mỗi ngày. Xác thực cấp độ này cũng áp dụng cho giao dịch thanh toán có giá trị 5-100 triệu đồng trong một lần hoặc một ngày giao dịch.

Việc nhận dạng sinh trắc học gắn với thiết bị cầm tay khác với việc nhận dạng đặc điểm sinh trắc của người dùng với thông tin đã đăng ký tại dữ liệu dân cư quốc gia của Bộ Công an cung cấp.

Với giao dịch loại C và D, khách hàng buộc phải xác thực sinh trắc học tuy nhiên sẽ khác nhau về quy mô tiền gửi.

Trong đó, cấp độ C chỉ yêu cầu xác thực bằng sinh trắc học khớp với các nguồn dữ liệu đã định danh. Còn cấp D yêu cầu kết hợp sinh trắc học kèm với một biện pháp khác như OTP cấp độ cao, FIDO (Fast IDentity Online) không dùng mật khẩu mà dùng kết hợp thiết bị phần cứng và phần mềm hoặc chữ ký điện tử an toàn.

Cấp độ C áp dụng cho việc chuyển tiền một lần từ 10 đến 500 triệu đồng, nếu cao hơn người dân phải áp dụng cấp D. Tổng số tiền chuyển khoản, nạp ví điện tử trên 1,5 tỷ đồng, chuyển tiền ra nước ngoài trên 200 triệu mỗi lần hoặc trên 1 tỷ đồng mỗi ngày cũng phải xác thực cấp D - cấp độ cao nhất.

Đối với một số khách hàng gặp sự cố khi chuyển tiền dù đã đăng ký xác thực sinh trắc học, các chuyên gia đưa ra một số lời khuyên:

- Khởi động lại ứng dụng ngân hàng: Việc khởi động lại ứng dụng có thể giúp khắc phục một số lỗi nhỏ.

- Cập nhật phiên bản ứng dụng mới nhất: Các ngân hàng thường xuyên cập nhật ứng dụng để khắc phục lỗi và nâng cao hiệu suất.

- Liên hệ bộ phận chăm sóc khách hàng: Nếu bạn gặp khó khăn khi xác thực sinh trắc học, hãy liên hệ bộ phận chăm sóc khách hàng của ngân hàng để được hỗ trợ.

- Ngoài ra, các ngân hàng cũng khuyến khích khách hàng nên cập nhật dữ liệu sinh trắc học tại quầy giao dịch để đảm bảo độ chính xác và an toàn.

Công Hiếu

Tin mới