Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 có ý nghĩa và nguồn gốc riêng biệt, phản ánh những đặc trưng văn hóa và xã hội khác nhau. Dù có những sự khác biệt, cả hai ngày đều mang ý nghĩa cao đẹp trong việc đề cao vai trò của phụ nữ, nhấn mạnh tầm quan trọng của bình đẳng và ghi nhận những đóng góp không thể thay thế của họ trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Để làm rõ 8/3 và 20/10 khác nhau thế nào, chúng ta cần xét trên nhiều yếu tố.
Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 bắt nguồn từ phong trào đấu tranh đòi quyền lợi của phụ nữ lao động ở Mỹ và châu Âu vào đầu thế kỷ XX. Trong bối cảnh công nghiệp hóa mạnh mẽ, phụ nữ bắt đầu bước vào thị trường lao động, nhưng phải chịu đựng điều kiện làm việc khắc nghiệt và bất công. Ngày 8/3/1908, cuộc biểu tình lớn của phụ nữ tại New York yêu cầu quyền bầu cử, giảm giờ làm và cải thiện điều kiện làm việc, đã tạo nên một làn sóng mạnh mẽ trên toàn thế giới.
Đến 8/3/1910, tại Hội nghị phụ nữ do Quốc tế thứ 2 (Quốc tế Xã hội chủ nghĩa) tổ chức, 100 đại biểu phụ nữ thuộc 17 nước đòi quyền bầu cử cho phụ nữ. Chủ tịch Hội nghị là bà Clara Zetkin (người Đức) đề nghị chọn ngày 8/3 làm Ngày Quốc tế Phụ nữ để nhớ ơn những phụ nữ đã đấu tranh trên toàn thế giới. Từ đó, ngày 8/3 hàng năm trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới.
Các ngày 8/3 và 20/10 khác nhau thế nào? (Ảnh: Canva)
Vào ngày 20/10/1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (nay đổi tên là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) được thành lập.
Đây là ngày mà phụ nữ Việt Nam được vinh danh với những đóng góp to lớn trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20/10 hàng năm là dịp để người dân Việt Nam bày tỏ sự trân trọng, biết ơn đối với những người mẹ, người vợ và những phụ nữ Việt Nam đã cống hiến không ngừng vì gia đình và xã hội.
Với tên gọi của những ngày lễ này, bạn cũng có thể dễ dàng nhận ra 8/3 và 20/10 khác nhau thế nào về mặt phạm vi. Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 mang tính quốc tế, được tổ chức và công nhận trên toàn thế giới
Trong khi đó, 20/10 là ngày đặc trưng dành riêng cho phụ nữ Việt Nam. Trải qua các giai đoạn lịch sử, người phụ nữ Việt Nam luôn thể hiện những đức tính tốt đẹp, đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh và bảo vệ tổ quốc. Trong thời bình, họ cũng có những đóng góp quan trọng trong đời sống xã hội, kinh tế, chính trị. Vì vậy, họ xứng đáng có một ngày để tôn vinh.
Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 đều là ngày mà phái nữ được tôn vinh. Họ sẽ nhận được hoa, lời chúc từ bạn bè, đồng nghiệp, gia đình của mình.
Trong Ngày Quốc tế Phụ nữ, nhiều quốc gia tổ chức các sự kiện tôn vinh phụ nữ, kèm theo đó là các hoạt động như diễu dành đòi quyền bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới về cơ hội giáo dục, thăng tiến, mức lương, các cuộc thảo luận về nữ quyền… Phụ nữ Bắc Mỹ và châu Âu thường từ chối nhận hoa được tặng nhân ngày này vì cho rằng đây là hoạt động hình thức. Còn ở Italy, phụ nữ sẽ được nhận hoa mimosa trong ngày 8/3…
Tại Việt Nam, các hoạt động kỷ niệm ngày 8/3 thường bao gồm các buổi hội thảo, chương trình giao lưu văn nghệ và các cuộc thi nhằm tôn vinh phụ nữ. Ngoài ra, nhiều tổ chức, công ty còn tổ chức các buổi lễ tôn vinh những nhân viên nữ xuất sắc, khuyến khích họ tiếp tục đóng góp tích cực cho sự phát triển của tổ chức. Nhiều địa phương còn tổ chức hội thi nấu ăn, cắm hoa, tạo ra không khí vui tươi, gắn kết giữa các chị em phụ nữ.
Ngày 8/3 không chỉ là dịp để tôn vinh những thành tựu của phụ nữ mà còn là ngày đấu tranh cho bình đẳng giới. Các hoạt động trong ngày này thường bao gồm hội thảo, biểu tình, hội họp để thúc đẩy các vấn đề về quyền phụ nữ và thảo luận về các giải pháp nhằm cải thiện địa vị của họ trong xã hội.
Ngày 20/10 mang tính chất văn hóa và dân tộc sâu sắc, khi người Việt thể hiện lòng biết ơn và tôn trọng đối với những đóng góp thầm lặng nhưng không kém phần quan trọng của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Các hoạt động trong ngày này thường là những buổi lễ, hội thảo tôn vinh thành tựu của phụ nữ ở nhiều lĩnh vực khác nhau và nhấn mạnh vai trò của họ trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa.