Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ngày 16/6, mực nước ở các hồ thủy điện vẫn rất thấp

(VTC News) -

Theo báo cáo của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Cục ATMT) ngày 16/6, có 4 hồ thủy điện xấp xỉ mực nước chết và nhiều hồ có mực nước rất thấp.

Hôm nay, lưu lượng nước ở các hồ chứa thủy điện vẫn rất thấp.

Cụ thể, mực nước hồ chứa thủy điện khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ tăng nhẹ so với hôm qua; khu vực Đông Nam Bộ mực nước dao động nhẹ, vẫn ở mức thấp; khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên mực nước các hồ giảm nhẹ, nằm trong phạm vi mực nước tối thiểu theo quy định của quy trình vận hành.

Ngày 16/6, các hồ thủy điện vẫn rất cạn nước. (Ảnh minh họa: VOV)

Theo ATMT, lượng nước về hồ chủ yếu để điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu, các nhà máy thủy điện vận hành phát điện bằng lưu lượng nước về, các nhà máy khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ phát điện cầm chừng với cột nước, công suất thấp để đảm bảo an toàn cho tổ máy khi vận hành, khó có thể đáp ứng đươc việc phát điện theo quy trình vận hành hồ chứa tại thời kỳ này.

Một số hồ xấp xỉ mực nước chết: Thác Bà, Bản Vẽ, Thác Mơ, Đồng Nai 3. Cụ thể: Hồ Thác Bà: 46.24/46 m (qui định tối thiểu: 46.5 m); Hồ Bản Vẽ: 157.06/155.0 m (qui định tối thiểu: 169.7 đến 174m); Hồ Thác Mơ: 199.63/198 m (qui định tối thiểu: 202.5m đến 203.2m); Hồ Đồng Nai 3: 571.56/570 m (qui định tối thiểu: 571.5m đến 572.8m).

Trong khi đó, một số hồ mực nước rất thấp là: Sơn La, Hủa Na. Cụ thể:

Việc lưu lượng nước thấp khiến nhiều nhà máy thủy điện chỉ phát điện cầm chừng với cột nước, công suất thấp: Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát, Thác Bà, Tuyên Quang, Hủa Na, Trung Sơn, Thác Mơ, Đồng Nai 3.

Dự báo tình hình thủy văn, lưu lượng nước về hồ trong 24 giờ tới sẽ tiếp tục giảm nhẹ.

Nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng cao

Theo số liệu cập nhật sáng 16/6 của EVN và Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), ngày 15/6, phụ tải toàn hệ thống điện tăng hơn so với ngày trước đó, đạt 832,2 triệu kWh. Trong đó miền Bắc ước khoảng 384,6 triệu kWh, miền Trung khoảng 78 triệu kWh, miền Nam khoảng 369 triệu kWh.

Công suất đỉnh hệ thống điện (Pmax) quốc gia đạt đỉnh vào lúc 14h30 ở mức 39.768,9 MW. Tại miền Bắc là 17.892 MW (lúc 14h30), miền Trung là 3.895 MW (lúc 16h), miền Nam là 18.206 MW (lúc 13h30).

Hết ngày 15/6/2023, tổng sản lượng huy động từ thủy điện khoảng 168,1 triệu kWh (trong đó miền Bắc huy động 59,3 triệu kWh) giảm so với ngày 14/6; nhiệt điện than huy động 463,4 triệu kWh (miền Bắc 281,5 triệu kWh); tuabin khí huy động 89 triệu kWh và không phải huy động nguồn điện dầu.

Điện năng lượng tái tạo nối lưới huy động trên 70 triệu kWh, trong đó điện gió là 25,1 triệu kWh.

Theo EVN, tính đến hết ngày 15/6, có 51 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 2.852 MW đã trình Bộ Công Thương phê duyệt giá điện tạm. 

Đối với nguồn nhiệt điện than miền Bắc, EVN cho biết, nguồn nhiên liệu than cho sản xuất được đảm bảo. Tổng sự cố dài ngày 2.100 MW; Tổng sự cố ngắn ngày: 300 MW.

Hiện, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn liên tục chỉ đạo, đôn đốc, tìm mọi giải pháp để tăng cường vận hành các nguồn điện, vận hành linh hoạt hồ chứa trong bối cảnh các hồ thủy điện lớn thiếu hụt nước; đôn đốc các nhà máy nhiệt điện tập trung ưu tiên xử lý sự cố các tổ máy; đảm bảo cung ứng than, khí cho phát điện; tích cực bổ sung các nguồn điện năng lượng tái tạo cho hệ thống; tăng cường vận hành an toàn hệ thống truyền tải Trung - Bắc; tiếp tục triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm điện...

Trả lời VTC News, ông Trần Văn Hòa, Phó Giám đốc Nhà máy Thuỷ điện Hòa Bình cho biết, những ngày gần thời tiết đã có cải thiện, lượng nước đổ về tuy có thay đổi nhưng không nhiều, lưu lượng nước đạt 103m, trong khi quy định mực nước tối thiểu là 81,9 m nên công suất phát điện vẫn còn thấp.

“Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi lượng nước đổ về và có báo cáo thường xuyên gửi Tập đoàn EVN để có kế hoạch sản xuất điện phù hợp”, ông Hoà nói.

Cùng với việc đảm bảo cung ứng điện, lãnh đạo nhà máy thủy điện Hòa Bình cũng yêu cầu nhân viên thực hiện tiết kiệm điện triệt để, đồng thời cắt điều hòa tại khu vực trụ sở.

Phòng làm việc của cán bộ nhà máy thủy điện Hòa Bình cũng tiết kiệm triệt để điện.

“Gần 1 tháng nay, các phòng làm việc của chúng tôi đều sử dụng ánh sáng tự nhiên. Trong quá trình làm việc, sử dụng đèn led để bàn và sử dụng quạt điện. Thời tiết dưới 35 độ C toàn bộ lãnh đạo, nhân viên không được sử dụng điều hoà. Các thiết bị điện như cây nóng lạnh, bình nước nóng... đều tắt nguồn. Hiện nay, công ty thay bằng các bình nước tinh khiết có sẵn để tiết kiệm điện. Các khu vực công cộng được tiết giảm tối đa ánh sáng và thực hiện điều chỉnh thời gian bật, tắt tự động hệ thống chiếu sáng”, ông Hòa nói.

PHẠM DUY

Tin mới