(VTC News) - Ở những vùng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong hàng trăm năm qua, người dân vẫn có cách để “đãi ra vàng”, làm giàu cho gia đình nhờ nước mặn.
Các quốc gia nằm ở hạ lưu sông Mekong, trong đó có Việt Nam, đang đối mặt với hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất 100 năm qua, có thể gây thiệt hại kinh tế hàng tỷ USD. Chỉ tính trong vòng 4 tháng, tổng diện tích lúa ở các tỉnh miền Tây của Việt Nam bị thiệt hại đã lên đến 160.000 ha, hoa màu đã bị mất trắng, khiến người dân rơi vào cảnh điêu đứng, khốn cùng.
Tuy nhiên, đứng ở một góc độ nào đó, với cái nhìn lạc quan, GS Võ Tòng Xuân – nhà nông dọc danh tiếng đồng bằng sông Cửu Long - từng có một bài phân tích rất tâm đắc khi cho rằng: Đây là cơ hội ngàn vàng để dân miền Tây làm giàu.
Theo đó, theo GS Võ Tòng Xuân, muốn "làm giàu nhờ nước mặn" thì cần phải biết dùng nước mặn như thế nào cho có lợi nhất. Người dân miền Tây không nên cố trồng lúa trong điều kiện không thích hợp. Họ có thể bố trí một vụ lúa trong mùa mưa và khi dứt mưa thu hoạch lúa xong, lúc ruộng lúc đang sình lầy thì nông dân cho nước mặn lên ruộng nuôi tôm, cá kèo,… đạt lợi tức gấp 3 lần trồng lúa ở nước mặn.
Trong cái rủi bao giờ cũng có cái may
Trả lời phỏng vấn PV VTC News, PGS.TS Bùi Quang Bình, Chủ nhiệm khoa Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng nhận xét: Vấn đề biến đổi khí hậu đã được cảnh báo từ lâu, nhất là khi Trung Quốc và một số quốc gia khác xây đập thủy điện trên sông Mê Kông, bơm nước “nắn” dòng khiến nguồn nước ngọt xuống hạ lưu bị cạn kiệt.
Chuyên gia nông nghiệp cho rằng, vẫn có cơ hội làm giàu tại những vùng "đất chết" (Ảnh minh họa internet) |
“Chỉ cần Trung Quốc xả nước xuống một chút là độ mặn sẽ xuống ngay. Đây là bằng chứng rất rõ cho thấy: Biến đổi khí hậu phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có yếu tố công nghiệp hóa của Trung Quốc. Tất cả đã được lên kịch bản sẵn rồi nhưng dường như sự ứng phó từ cơ quan nhà nước, tới sự chuẩn bị của người dân chưa có sự đồng bộ. Nên khi ngập mặn xảy ra, chúng ta sẽ rơi vào bị động” - PGS.TS Bùi Quang Bình nói.
Đồng tình với quan điểm của GS. Võ Tòng Xuân, ông Bình cho rằng: “Trong cái rủi bao giờ cũng có cái may”. Tuy vậy, ông Bình nhấn mạnh: Cơ hội làm giàu cho nông dân miền Tây như ông Xuân vạch ra có thể là viễn cảnh trong tương lai, chứ không thể “đùng một cái là làm ngay được”.
Vị chuyên gia kinh tế này bày tỏ sự lo lắng: “Người nông dân quen trồng lúa thì liệu họ có biết nuôi tôm không, hay khi không biết nuôi mà làm thì tôm lăn đùng ra chết thì cũng không ổn. Nên cái gì cũng phải có quy trình đồng bộ gắn với chính sách của Nhà nước hỗ trợ… Cần sự đầu tư có tính toán, chứ không thể tự phát, còn chắc chắn là phải làm và phải chuyển đổi”.
PGS.TS Bùi Quang Bình cũng cho biết: “Việt Nam đã có những bước đi như đưa ra giống lúa chịu mặn nhưng phải từ từ”.
Ông cũng không quên nhắc nhở, “trong cái rủi cũng có cái may. Nhưng dù cơ hội hay khó khăn phải phụ thuộc vào nỗ lực của con người mà sự nỗ lực này phải đến từ nhiều phía, doanh nghiệp, người dân và nhà khoa học. Làm sao để tạo ra sự liên kết, mang tính bứt phá, chứ không thể giao cho người nông dân tự làm, tự “chết” được, phải có thời gian và liên quan tới vốn”.
Nguồn ảnh: Vnexpress |
|
“Cần tạo ra một thế cân bằng mới, một môi trường sinh thái mới, như ngày xưa bác Kiệt nói là “phải sống chung với lũ”… Nhưng chuyển đổi như thế nào là một bài toán không thể nói ngay được, mà phải nghiên cứu, thử nghiệm” – GS. Hùng nói.
Theo GS.Hùng: Nông dân miền Tây phải chuyển sang trồng cây gì chịu được mặn mà lại phải hiếm để có thể bán ngay. Phương hướng thứ hai là có thể chuyển sang nuôi con, như nuôi tôm, nuôi cá nhưng GS này cũng lưu ý: Tôm cũng không phải là lựa chọn số 1, vì tôm chỉ chịu được độ mặn 40 – 50 phần ngàn thôi, trong khi, ở Nam Bộ có chỗ độ mặn cao hơn nhiều.
Những vuôn tôm được xây dựng tự phát, nối tiếp nhau một cách vô tổ chức tại vùng mặn Bán Đảo Cà Mau (Giá Rai, Bac Liêu) - Ảnh vệ tinh của Google. |
Với tình hình ngập mặn khủng khiếp ở miền Tây, GS. Nguyễn Lân Hùng nhắn nhủ: Người nông dân không bi quan nhưng cần đặt ra nhiệm vụ quan trọng là phải chuyển đổi và không phải cố quyết tâm trồng lúa cho bằng được!.
Có thể làm giàu nhờ hạn mặn thế nào?
|
GS Xuân chia sẻ: “Trong thời gian qua, nhiều nông dân gần nguồn nước mặn đã áp dụng kỹ thuật trồng lúa - nuôi tôm, trở nên khá giả. Những ruộng lúa này cũng là vuông tôm được đắp bờ bao, có mương sâu cho tôm sinh trưởng, bên trong cấy lúa vào đầu mùa mưa.
Cuối mùa mưa, lúa được gặt xong, trong khi đất còn sình sền sệt (không được để ruộng khô nứt nẻ) thì cho nước mặn vào pha với nước ngọt còn trong ruộng, và thả tôm giống vào ruộng.
Vì nước mặn vào ruộng lúc mặt ruộng còn ướt nên nước mặn chỉ ở trên mặt, chứ không thể thấm vào đất ruộng bên dưới, nên khi mùa mưa đến, nông dân dùng nước mưa đầu mùa để đẩy nước mặn ra ngoài sông và bắt đầu vụ lúa mới. Nếu cho nước mặn vào ruộng lúc đất khô nứt nẻ thì đất bị nhiễm mặn không trồng lúa được”.
Video: Ngập mặn khủng khiếp ở miền Tây
Tại Việt Nam, theo GS Xuân, do người nông dân miền Tây đã tự phát xây dựng vuông tôm lung tung nên không mang lại lợi ích nhiều về kinh tế như mong đợi.
GS Xuân kể: Nhiều nông dân khác trong vùng ngọt hóa phải trồng lúa, thấy mấy bạn bên ngoài đê ngọt hóa nuôi tôm khá giả hơn mình, đã lén phá đê ngăn mặn để lấy nước mặn nuôi tôm, đạt kết quả trong vài năm đầu rất khả quan, xây nhà mới, tậu nhiều vật dụng sang trọng. Tất cả họ đều hành động một cách tự phát, bất hợp pháp (ngược với chủ trương sản xuất lương thực của nhà nước).
Những vuông tôm của họ được xây dựng nối tiếp nhau một cách vô tổ chức, nước thải từ vuông tôm này được vuông tôm kia hứng, làm cho bệnh tôm lây lan ngày càng trầm trọng, khiến nhiều người nuôi tôm trở nên sạt nghiệp sau vài năm làm giàu trước đó.
Công nghệ nuôi tôm tại Tulang Bawang, tỉnh Lampung, Nam Sumatra, Indonesia (do Công Ty CP Prima đầu tư). Mỗi vuôn tôm được lấy nước mặn pha nước ngọt đến đúng độ mặn từ một kênh tưới riêng; và thải nước cũ ra một kênh tiêu riêng - Ảnh vệ tinh của Google. |
Nhìn sang các nước Thái Lan, Philippines, Indonesia, người ta áp dụng công nghệ nuôi tôm được nhà nước cho đầu tư một cách khoa học, nông dân sản xuất rất yên tâm và hiệu quả cao.
Cơ sở hạ tầng của công nghệ này chủ yếu có trung tâm chế biến đông lạnh tôm, có hệ thống kênh mương phân chia các vuông tôm, bao gồm kênh chính lấy nước mặn từ sông hoặc biển vào pha với nước ngọt từ giếng khoan để có độ mặn thích hợp cho tôm.
Từ kênh chính này, nước mặn đã pha được dẫn vào các kênh tưới dọc theo một bên các vuông tôm, một hệ thống kênh tiêu dọc theo bên kia của vuông tôm sẽ hứng nước thải dẫn vào một kênh tiêu chính để đưa ra biển xử lý.
Chân dung 10 người giàu nhất thế giới năm 2015
Vì vậy, theo GS Võ Tòng Xuân: Tại Việt Nam, “chủ trương nuôi tôm vùng ven biển hoặc vùng nhiễm mặn bên trong đất liền không thể thành công được nếu nhà nước cứ để cho dân tự phát xây dựng vuông tôm lung tung như hiện nay”.
Theo ông Xuân, Nhà nước cần tổ chức một cách đúng kỹ thuật, với hệ thống kênh mương như trên, đồng thời, tổ chức liên kết “4 nhà” thì chắc chắn nông dân nuôi tôm sẽ hưởng lợi, doanh nghiệp chế biến sẽ hưởng lợi, và ngân sách địa phương sẽ tăng cao hơn lúa.
Ngọc Hân