Để đáp ứng được các đòi hỏi của công việc, hầu hết y bác sĩ sau khi tốt nghiệp đại học đều phải tham gia đào tạo, bồi dưỡng các chương trình chuyên khoa sâu nhằm để bổ sung kiến thức, kĩ năng chuyên môn. Trước những nhu cầu thực tế đó, các trường đại học đào tạo về y khoa cũng đang chuyển mình rõ rệt sang hướng đào tạo chuyên khoa sâu sau đại học cho các y bác sĩ.
Theo PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, so với trước đây, việc đào tạo chuyên khoa sâu hầu như chỉ dành cho các bác sĩ ở bệnh viện tuyến trung ương hoặc tuyến tỉnh có nhu cầu. Tuy nhiên nhu cầu này đã thay đổi từ vài năm trở lại đây, những đơn vị y tế tuyến huyện cũng đã quan tâm đến trình độ chuyên khoa sâu của các y bác sĩ.
Đồng thời, trong chương trình đào tạo nhân lực y tế ở bậc đại học hiện hành, khi tốt nghiệp hệ đại học, các bác sĩ mới chỉ dừng ở mức độ đa khoa và chưa được đào tạo ở chuyên khoa sâu.
“Vì thế, sau khi có chứng chỉ hành nghề và đi làm, những đối tượng này thường có nhu cầu được tiếp tục đi học bổ sung kiến thức bác sĩ chuyên khoa sâu như: chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, thạc sĩ y khoa, tiến sĩ y khoa…”, PGS Đậu Xuân Cảnh cho hay.
PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam.
Đối với đào tạo lĩnh vực y dược học cổ truyền, có các lớp trình độ chuyên khoa nội y học cổ truyền, ngoại y học cổ truyền, nhi y học cổ truyền hoặc các chuyên khoa lẻ như: tâm thần kinh, mắt, da liễu, tai mũi họng, răng hàm mặt…. Sự phân chia này dựa trên cấu trúc các loại bệnh lý, nên các bác sĩ thuộc lĩnh vực này cũng có nhu cầu được đào tạo chuyên khoa sâu để phục vụ chính công việc của họ sau khi tốt nghiệp đại học.
Theo đó, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam đã và đang có chủ trương đẩy mạnh đào tạo sau đại học giúp đáp ứng tốt hơn mong mỏi của các y bác sĩ về bồi dưỡng chuyên khoa sâu phục vụ chăm sóc sức khỏe của người dân.
“Chúng tôi xây dựng nhiều chương trình đào tạo chuyên khoa sâu khác nhau để khi ra trường, các bác sĩ tự tin hành nghề và phát huy được kiến thức, năng lực, sở trường của mình, nhằm phục vụ tốt hơn công việc chăm sóc sức khỏe cho người dân”, PGS Cảnh chia sẻ.
Đồng thời, trong khung trình độ chung ở hệ đại học chính quy và sau đại học, nhà trường đang có định hướng đến việc cá thể hóa trong đào tạo. Ví dụ như một khoá đại học, sinh viên cùng được đào tạo ngành nội y học cổ truyền nhưng sẽ có bạn thiên về châm cứu, xoa bóp, tim mạch, hô hấp… chú trọng phát huy những khả năng của chính bản thân người học.
Hoặc với hệ đào tạo sau đại học, các bác sĩ có mong muốn được học tập, nghiên cứu chuyên khoa sâu về bệnh nhi y học cổ truyền, nhà trường xây dựng, hình thành chương trình học để sẽ đáp ứng những nhu cầu đó, gắn đào tạo với thực hành lâm sàng…
Áp dụng các liệu pháp chấm cứu, bấm huyệt y học cổ truyền trong khám chữa bệnh.
PGS Cảnh cho biết thêm: “Việc lựa chọn chương trình học tập là do người học, chúng tôi sẽ phân loại để điều chỉnh và tạo điều kiện cho học viên được thực tập, trải nghiệm thực tế nhiều hơn”.
Hiện công tác tuyển sinh đại học và sau đại học đang là bài toán khó đối với các cơ sở giáo dục đại học. Theo PGS Đậu Xuân Cảnh, nhà trường tập trung kết hợp kiến thức giữa y học hiện đại với y học cổ truyền, đây vừa là bản sắc riêng cũng là phương thức để cho ra lò những bác sĩ đa di năng có đủ hiểu biết cả đông y và tây y.
Hơn nữa, hiện nay các trường đại học đang được tự chủ trong các vấn đề về tuyển sinh, đào tạo và đánh giá chất lượng. Do đó, nhà trường xác định, học viên là khách hàng, đã là khách hàng thì sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin minh bạch và bảo đảm nhu cầu đào tạo cùng tất cả những quyền lợi chính đáng của họ khi theo học, Giám đốc học viện nói.