Phó Chánh án TAND Tối cao Lê Hồng Quang vừa ký văn bản gửi các Thẩm phán TAND Tối cao, Chánh án Toà án Quân sự Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị thuộc TAND Tối cao, Chánh án TAND Cấp cao và Chánh án TAND các địa tỉnh thành để lấy ý kiến lựa chọn mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông.
Theo nội dung văn bản, sau khi lấy ý kiến đóng góp của các TAND, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã lựa chọn vua Lý Thái Tông là biểu tượng công lý của Toà án nhân dân.
Để chuẩn bị cho việc dựng tượng vua Lý Thái Tông tại trụ sở các tòa án, TAND tối cao tổ chức lấy ý kiến của cán bộ công chức trong hệ thống tòa án đối với 3 mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông.
Gửi kèm công văn này, TAND Tối cao có bản thuyết minh tại sao lại lựa chọn tượng Lý Thái Tông là biểu tượng công lý.
3 mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông.
Theo thuyết minh, Vua Lý Thái Tông (1028-1054) (tên húy là Phật Mã/ Đức Chính), vị Hoàng đế thứ hai của nhà Lý. Được vua cha Lý Thái Tổ rèn dạy và trưởng thành trong thực tế gian nan, hào hùng của những thập kỷ đầu xây dựng Vương triều và kinh đô Thăng Long, Lý Thái Tông từ sớm đã là người nhân triết thông tuệ, có đại lược về văn võ, biết trước mọi việc, đánh đâu được đấy, vũ công lừng lẫy.
Khi trở thành Hoàng đế, ông đặt luật, trị quốc thân dân, đưa đất nước bước vào thời kỳ hoàng kim, thái bình, thịnh trị và trở thành tấm gương bảo vệ công lý tiêu biểu nhất trong thời đại quân chủ Việt Nam.
Vua Lý Thái Tông đã Ban hành bộ “Hình thư” - Bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, khai mở nền pháp luật thân dân Đại Việt. Thiết lập và thi hành chế độ xét xử theo pháp luật, xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, đưa hoạt động xét xử trong cả nước vào khuôn phép, sòng phẳng, rõ ràng; xã hội đi vào ổn định, phát triển, công bằng và văn minh.
Trực tiếp xét xử nhiều vụ án nổi tiếng với tấm lòng bao dung, nhân từ của vị Hoàng đế rất mực thương yêu dân. Đúc chuông lớn đặt ngay trước cửa chính điện Thiên An để người dân trong nước nếu có oan ức, thì đến đánh chuông bày tỏ nỗi oan ức lên Hoàng đế và được thấu xét.
Ông chăm lo rèn dạy, tin giao toàn bộ việc xử kiện cho Khai Hoàng Vương và đào tạo trở thành vị quan xử án mẫu mực và lừng danh trước khi trở thành Hoàng đế anh minh Lý Thánh Tông, để lại bài học thành công trong đào tạo người thi hành pháp luật, bảo vệ công lý cho mọi thời đại.
Ngày 5/2/2020, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã thống nhất tôn vinh Hoàng đế Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử trong lịch sử Việt Nam.
"Việc xây dựng tượng vua Lý Thái Tông là hành động thiết thực, ý nghĩa để tri ân và tôn vinh những cống hiến to lớn cho đất nước, dân tộc của các bậc tiền nhân, đặc biệt, là những công trạng trong lĩnh vực xét xử và tư pháp. Mục đích dựng tượng vua Lý Thái Tông còn hướng tới xây dựng một hình tượng lịch sử, đại diện cho hoạt động xét xử của Việt Nam, biểu tượng của công lý trong lịch sử Việt Nam.
Việc xây dựng công trình này vừa thể hiện tình cảm, lòng thành kính; vừa là nguyện vọng, mong ước của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống TAND với các bậc tiền nhân. Thông qua bức tượng về vua Lý Thái Tông nhằm khơi dậy niềm tự hào, giáo dục truyền thống cho các thế hệ về giá trị lịch sử và truyền thống vẻ vang của TAND.
Công trình sẽ là tác phẩm nghệ thuật có tính thẩm mỹ cao, giàu sức biểu cảm, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, chứa đựng và chuyển tải những thông điệp của lịch sử và thời đại về TAND- cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Công trình không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt kiến trúc, nghệ thuật mà còn góp phần thể hiện tầm vóc, sự uy nghiêm của cơ quan tư pháp cao nhất của đất nước.
Cùng với công trình trụ sở mới và trụ sở cũ của TAND Tối cao, bức tượng sau khi được hoàn thành sẽ phối kết với không gian kiến trúc cảnh quan xung quanh, tạo thành một quần thể kiến trúc, văn hóa, lịch sử thống nhất, thể hiện được bề dầy lịch sử, trở thành một công trình tiêu biểu của hệ thống TAND; góp phần tạo thêm điểm nhấn cho cảnh quan, không gian kiến trúc của thủ đô Hà Nội và đất nước", bản thuyết minh nêu.