Trong những năm gần đây, các thông tin liên quan đến ngành Kinh doanh quốc tế nhận về nhiều sự quan tâm của thí sinh. Đặc biệt, trong bối cảnh nước ta tăng cường mở cửa hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, ngành học này tiếp tục tăng thêm sức hút tuyển sinh.
Sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế. (Ảnh: Phenikaa)
Ngành Kinh doanh quốc tế là gì?
Ngành Kinh doanh quốc tế gồm toàn bộ hoạt động trao đổi, giao dịch thương mại như chuyển giao hàng hóa, dịch vụ, tài nguyên, con người, ý tưởng và công nghệ giữa các quốc gia. Đúng như tên gọi, ngành kinh doanh quốc tế mang tính chất toàn cầu và hội nhập rất cao.
PGS.TS Phạm Thị Liên - Phó hiệu trưởng kiêm Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Đại Nam cho biết: “Chương trình đào tạo cử nhân ngành Kinh doanh quốc tế không chỉ trang bị cho người học những kiến thức chuyên môn nghề nghiệp về Kinh doanh quốc tế ở phạm vi quốc tế, mà còn đặc biệt chú trọng các kỹ năng tiếng Anh, tin học và kỹ năng mềm.
Từ đó giúp sinh viên nắm bắt nhanh cơ hội việc làm sau khi ra trường, để có thể đảm nhiệm các vị trí từ nhân viên đến cán bộ cao cấp trong các doanh nghiệp, tổ chức".
Ngoài ra, chương trình đào tạo của ngành học này còn cung cấp các kiến thức nền tảng về kinh doanh như: Những nguyên tắc cơ bản về kinh tế, thông tin tài chính, quản trị. Các kiến thức chuyên sâu có thể kể đến là: Quản trị chuỗi cung ứng và Logistic toàn cầu, Chiến lược kinh doanh quốc tế, Đầu tư quốc tế và phát triển kinh tế, Luật và tài chính quốc tế.
Cơ hội việc làm ngành Kinh doanh quốc tế
Sau khi ra trường, sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế có thể tự tin làm việc tại nhiều vị trí khác nhau: Chuyên viên kinh doanh, xuất nhập khẩu của các đơn vị sản xuất kinh doanh, các công ty thương mại, công ty xuất nhập khẩu, văn phòng đại diện, đại lý vận tải tàu biển, hàng không, bảo hiểm; nhân viên, trợ lý xuất nhập khẩu; giảng dạy và nghiên cứu tại các trường đại học, cao đẳng.
Theo khảo sát, tại Việt Nam mức thu nhập trung bình của ngành Kinh doanh quốc tế dao động từ 6 - 9 triệu/tháng với nhân viên mới ra trường và từ 20 - 40 triệu/tháng với người có kinh nghiệp hoặc cấp quản lý. Với người có trình độ cao nếu chọn làm việc trong các công ty xuất nhập khẩu logistics hay các tập đoàn đa quốc gia, công ty cổ phần thương mại có thể nhận được mức lương từ 30 - 150 triệu đồng/tháng.
Đảm nhận vị trí nhân viên giao dịch ngoại hối tại một ngân hàng ở Hà Nội hơn 5 năm qua, chị Nguyễn Thị Minh Hiền - từng tốt nghiệp ngành Kinh doanh quốc tế, trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tiết lộ, mức lương dành cho sinh viên mới ra trường tốt nghiệp ngành này khá cao.
"Thông thường, sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế có thể làm việc tại nhiều công ty cũng như ứng tuyển vào các vị trí công việc khác nhau.Tôi chọn làm việc trong ngân hàng với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, đây chỉ là mức lương của người mới làm, nếu có nhiều năm kinh nghiệm cộng thêm vị trí cao thì việc có mức lương trên dưới 50 triệu đồng/tháng là điều dễ dàng", Hiền cho hay.
Hiện rất nhiều trường đại học trên cả nước đào tạo ngành Kinh doanh quốc tế, thí sinh có thể tham khảo thêm thông tin tuyển sinh, điểm chuẩn trúng tuyển để đưa ra sự lựa chọn phù hợp: trường Đại học Ngoại thương, trường Đại học Thương mại, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), Đại học Kinh tế TP.HCM.