Xét một cách toàn cục, các chính sách hỗ trợ cần thiết để ngành game Việt phát triển vẫn chưa được các cấp quản lý chú ý, vô hình trung tạo nên những lực cản đáng buồn.
Kẻ gian được thế ?
Việc các cơ quan chức năng mới đây đã phải buộc một số DN game Trung Quốc phải đóng máy chủ, ngừng hoạt động các game phát hành phi pháp tại Việt Nam, đã như giọt nước tràn ly bức xúc của các nhà phát hành game Việt. Dù không muốn nói ra, nhưng một số DN game Việt rất ấm ức cho rằng, lâu nay họ đã phải chịu cảnh bị o ép cạnh tranh bất bình đẳng với các DN Trung Quốc đầy mánh khóe và gian lận.
Sự thật đã 4 năm rồi, hoạt động của các DN game Việt luôn ở thế bị động thiếu vắng các khung quản lý rõ ràng, chưa có những nghị định và thông tư hướng dẫn chính xác, đầy đủ. Mùa thu 2013, họ tưởng chừng thở phào khi Nghị định 72 ra đời, được xác định là chìa khóa mở toang cánh cửa “xếp hàng chờ duyệt” lâu nay. Song cho đến nay, các thông tư hướng dẫn cụ thể vẫn chưa được ban hành, càng khiến các DN bức xúc. Cơ chế quản lý vì thế, đã vô hình bóp nghẹt cơ hội phát triển của các DN trước diễn biến sôi động không ngừng của làng game thế giới.
Trong khi đó, các DN Trung Quốc núp dưới các chiêu bài vỏ bọc, đã lặng lẽ đi sâu vào thị trường Việt, đua nhau “xà xẻo” thị phần với đủ các loại game pha tạp chất lượng, không cần phải xin phép hoạt động nào. Các DN này còn sử dụng những kênh quảng cáo, truyền thông ngoài luồng quản lý, xâm hại vào thuần phong mỹ tục Việt Nam để gây ấn tượng sản phẩm với đông đảo người dùng, chủ yếu là thanh thiếu niên.
Nghĩa là trong khi các DN đường hoàng nghiêm túc trong nước phải ngóng trông sự chỉ đạo, tạo điều kiện hoạt động của các cơ quan quản lý, thì các DN “lậu” gốc Trung Quốc vẫn làm ăn mạnh bạo. Nếu DN Việt “sốt ruột” muốn có cơ hội, phải học cách làm của DN Trung Quốc, tự ý ra game, tự ý vi phạm quản lý Nhà nước và phạm luật. Cả làng game Việt theo đó trở nên xao xác mất phương hướng, càng tạo thêm cơ hội cho những “kẻ gian” trục lợi.
DN Việt thì lao đao, tiền của người chơi Việt lại đổ vào túi người nước ngoài phải chăng là do thực trạng này gây ra ?
Bao giờ game Việt khơi thông?
Một DN làm game Việt vừa thử đưa ra một phép toán đơn giản để minh chứng cho tình trạng bất cập về quản lý của các cơ quan chức năng là khá lớn. Hiện tại, trên toàn thị trường ngành game Việt Nam, mỗi năm các DN đưa ra hơn 600 sản phẩm, bình quân 2 – 3 sản phẩm/ngày.
Theo chính sách quản lý, các game này đều phải duyệt qua kịch bản và xin cấp phép mới được hoạt động chính thức. Vậy các cơ quan quản lý có đủ nhân lực và thời gian để làm tốt việc cấp phép, thẩm định sản phẩm kịp với nhu cầu làm ăn của các DN hay không ?
Thực tế đang chứng minh, rất nhiều hồ sơ xin cấp phép làm game của các DN đang dồn ứ ở cơ quan chức năng để chờ đợi sự phê duyệt. Có DN cho biết họ đã phải “xếp hàng” nhiều tháng trời rồi. Như thế, so với hành vi sai phạm, bỏ qua quản lý, tự ý phát hành của các nhà phát hành game Trung Quốc, rõ ràng các DN Việt chỉ đi từ thua thiệt đến thất bại !
Một số DN game tâm sự, với thực trạng hiện tại, họ có cảm giác làng game Việt đang như “đàn cua trong lỗ”, phải chờ có “tiếng mưa rào” mới được tranh nhau thoát ra. Suốt quá trình đó, các DN quay ra “kèn cựa, xích mích” với nhau cũng là khó tránh khỏi. Giải pháp cho họ chỉ có thể là, cơ quan chức năng cần gia tăng xem xét, ban hành những chính sách hữu hiệu, giúp định hình rõ hành lang pháp lý, mở cơ hội để DN Việt thẳng mặt cạnh tranh với DN Trung Quốc.
Theo Pháp luật Online