Tại tọa đàm trực tuyến “Kinh doanh thời COVID-19, thực trạng và giải pháp” do Tạp chí Đồ uống Việt Nam tổ chức sáng 16/7, nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực đồ uống đã nhấn mạnh những khó khăn mà toàn ngành đang phải hứng chịu do dịch bệnh COVID-19.
Đợt dịch lần thứ 4 bắt đầu từ cuối tháng 4 đến nay ngày càng lan rộng khiến hàng loạt nhà hàng bia, quán ăn…tạm dừng hoạt động. Nhiều địa phương buộc phải giãn cách theo chỉ thị của Chính phủ. Tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề đến ngành đồ uống.
Ngành đồ uống đang phải xoay xở để trụ vững giữa đại dịch COVID-19. (Ảnh minh họa)
Ông Dương Như Quang – Giám đốc Công ty TNHH Hải Hà (Ninh Bình) cho biết, doanh thu và lợi nhuận của các nhà phân phối, đại lý kinh doanh đồ uống giảm mạnh toàn khu vực và các tỉnh, thành. Ninh Bình là tỉnh phát triển du lịch rất ấn tượng, doanh thu đồ uống trong những năm chưa có dịch và Nghị định 100. Nhưng từ khi có dịch bệnh cùng tác động của quy định hạn chế đồ uống có cồn thì doanh thu của các đơn vị kinh doanh đồ uống sụt giảm thê thảm. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước, doanh thu đã giảm 39%, lợi nhuận giảm trên 10%.
Tương tự, ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại HABECO Miền Trung - khẳng định: “COVID-19 khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, sản lượng tiêu thụ liên tục bị sụt giảm, ảnh hưởng lớn đến hàng trăm lao động đang làm việc trực tiếp tại công ty và hàng nghìn lao động gián tiếp tham gia vào công tác bán hàng”.
Cũng theo ông Tuấn, trước tình hình khó khăn, doanh nghiệp của ông buộc phải sắp xếp lại lao động theo hướng tinh gọn để giảm bớt chi phí và áp dụng phương án bán hàng online. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay là công ty không có nguồn để duy trì hỗ trợ cho các điểm bán hàng (nhà hàng, quán ăn…). Hiện nhiều điểm bán phải dừng hoạt động và không có thu nhập, đa số các điểm bán là hộ kinh doanh cá thể nguồn thu nhập chính từ việc bán hàng (bán sản phẩm đồ uống), vì vậy cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, tâm lý của người tiêu dùng do lo sợ mức xử phạt áp dụng tại Nghị định 100 nên cũng hạn chế tiêu dùng.
Trong khi đó, ông Trương Hùng Dũng – Giám đốc Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn-Lâm Đồng cho biết, vận tải đường dài đang gặp khó vì bia không được coi là mặt hàng thực phẩm thiết yếu nên bị soát xét khi qua các trạm kiểm soát. Trong khi đó, các địa phương thực hiện theo Chỉ thị 16 của Chính phủ nên người lao động không thể đi lại, không vào các kho chứa hàng được, việc giải phóng hàng từ xe xuống các kho và từ kho để tỏa đi các điểm bán gặp trở ngại.
“Tiền thuê đất ở Khu công nghiệp cứ sau chu kỳ 5 năm là một đợt tăng giá, trong khi tình hình dịch bệnh làm cản trở sản xuất kinh doanh, cần được địa phương chia sẻ quan tâm tạm dừng việc tăng giá hay chỉ tăng một tỷ lệ nào đó. Các yêu cầu test COVID-19 có thời hạn ở các địa phương là khác nhau 1, 3, 5 ngày và thậm chí là 7 ngày chưa thống nhất cũng làm cho việc vận chuyển khá khó khăn và tốn kém thêm chi phí do chờ đợi qua trạm, xe kẹt kéo dài hàng cây số…Trước tình hình hiện nay, các doanh nghiệp mới thành lập gặp rất nhiều khó khăn, sản lượng tiêu thụ có doanh nghiệp giảm chỉ còn 50% so với lúc trước khi có dịch”, ông Dũng nhấn mạnh.
Đứng trước hàng loạt khó khăn, các doanh nghiệp buộc phải tìm cách xoay xở để tồn tại giữa đại dịch. Tuy nhiên, phần lớn đều kiến nghị các cơ quan, bộ, ngành giảm, giãn, thuế, phí các loại trong thời kỳ dịch COVID-19 để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trụ vững giữa đại dịch và phục hồi sau đó. Có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp trợ giúp những lao động và các hộ kinh doanh sản phẩm đồ uống bị dừng hoạt động mà không có nguồn thu, giúp họ vượt qua đại dịch.
Thời gian qua, Chính phủ đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bị tác động bởi dịch bệnh; Bộ Tài chính ban hành quy định giảm 30 loại thuế, phí… Tuy nhiên theo đại diện các doanh nghiệp, Nhà nước cũng nên có gói cứu trợ để thông qua ngân hàng giảm lãi suất các dự án đầu tư, vay ngắn hạn nhằm vực dậy các doanh nghiệp vốn đang cạn kiệt về tài chính.
Sản xuất đồ uống là một ngành kinh tế, kỹ thuật quan trọng và có nhiều tiềm năng phát triển ở Việt Nam. Cơ cấu dân số trẻ, với tốc độ GDP trung bình 10 năm qua tăng trưởng 6%, đây là một thị trường tiềm năng.
Từ năm 2016-2020, ngành đồ uống đã có nhiều phát triển mạnh mẽ, tăng bình quân của ngành là 5.8%. Tuy nhiên từ năm 2020, ngành gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm do tác động của dịch COVID-19 và chính sách liên quan. Tuy nhiên việc kiểm soát tốt dịch bệnh vừa qua, sản lượng sản xuất và tiêu thụ của ngành trong năm 2021 đã có sự khởi sắc 2 quý 1, 12.9%, quý 2 trên 6%.
(Ông Vũ Đức Nam, Phó phòng Công nghiệp thực phẩm, Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương)