Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Ngân hàng rình bắt ô tô khách nợ quá hạn

Khách hàng tá hỏa khi ôtô để trước cổng nhà bị ngân hàng niêm phong và thu hồi khi đi vắng.

Khách hàng tá hỏa khi ôtô để trước cổng nhà bị ngân hàng niêm phong và thu hồi khi đi vắng.


Phía ngân hàng khẳng định ôtô đã thế chấp là tài sản của mình và có quyền thu hồi sau 10 tháng khách không trả đúng hạn.



Tháng 11/2011, anh Lê Hưng Thịnh (Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội) vay Ngân hàng Bảo Việt - Sở giao dịch 350 triệu đồng mua chiếc ôtô Huyndai Avante và thế chấp chính chiếc xe này làm tài sản đảm bảo.



Trong thư phản ánh gửi báo, ông Thịnh cho biết ngày 24/4, ngân hàng đã đến thu hồi chiếc xe đỗ trước cửa nhà khi gia đình ông đi Thái Nguyên mà không hề báo trước. Ông nói chưa hề nhận được thông báo bằng văn bản hay điện thoại về phương án thu hồi chiếc xe của ngân hàng.



"Việc ngân hàng thu hồi tài sản khi không có sự có mặt của tôi là không hợp lệ", ông Thịnh nói.


Chậm thanh toán gần 10 tháng, chiếc ôtô của ông Lê Hưng Thịnh bị ngân hàng thu hồi. Ảnh: T.N 

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở giao dịch Ngân hàng Bảo Việt xác nhận đã thu hồi chiếc xe là tài sản đảm bảo của ông Lê Hưng Thịnh và cho rằng việc xử lý được tiến hành đúng trình tự.



"Theo quy định của pháp luật, sau khi thế chấp thì chiếc ôtô là tài sản của ngân hàng và chúng tôi có quyền thu hồi khi khách hàng không thanh toán đúng như cam kết", đại diện BaoViet Bank cho biết. Đến ngày 9/4, ông Thịnh chậm thanh toán 292 ngày với tổng số tiền quá hạn là hơn 151 triệu đồng. Theo quy định, khoản nợ nhảy sang nhóm 5 - nợ xấu có khả năng mất vốn.



Trước những phản ánh của khách hàng, cán bộ thu hồi nợ, người trực tiếp đến thu hồi chiếc xe của ông Thịnh, phủ nhận việc khách hàng không được thông báo trước. Trong số những tài liệu phía BaoViet Bank công bố có công văn ký ngày ngày 11/4 ngân hàng gửi cho khách thông báo nợ quá hạn và hướng xử lý tài sản đảm bảo sau nhiều lần gọi điện, nhắn tin, đến nhà nhắc nợ nhưng không được.



"Khách hàng sau khi dừng thanh toán đã chuyển nơi ở và không thông báo cho ngân hàng. Ngân hàng sau nhiều tháng tìm mới biết được địa chỉ mới của ông Thịnh ở Gia Lâm", cán bộ thu hồi nợ cho biết.



Theo hợp đồng được ký, bên vay phải thông báo cho ngân hàng trong 5 ngày làm việc sau khi thay đổi nơi cư trú.



"Thậm chí, trước khi niêm phong và thu hồi chiếc xe, chúng tôi đã gọi điện cho khách hàng nhưng không được, nhắn tin cũng không trả lời", ông Hưng cho biết.



Phía BaoViet Bank cũng nói thêm trước khi xử lý thu hồi nợ đã gửi thông báo đến Công an phường, nơi ông Thịnh đang cư trú theo trình tự. Tại thời điểm thu xe, ngân hàng cho hay có sự chứng kiến của đại diện tổ dân phố và cán bộ dân phòng.



Trong tài liệu ngân hàng cung cấp cũng kèm theo thông báo về việc thanh toán tiền nợ góc lãi quá hạn gửi ông Thịnh ngày 25/1. Dưới văn bản này, ông Thịnh ghi rõ "đã nhận bản thông báo gốc" và cam kết trước Tết Âm lịch trả trước khoảng 50 triệu đồng.



Tuy nhiên đến nay, ông Lê Hưng Thịnh vẫn khẳng định với không nhận được thông báo nào, bằng văn bản hay kể cả điện thoại, tin nhắn của ngân hàng về việc sẽ thu giữ chiếc xe.



Ngoài ra, ông Thịnh cho rằng việc thu hồi chiếc xe trong trường hợp này là không hợp lệ và có biểu hiện cướp của bởi trong xe ông còn nhiều tài sản giá trị.



Ông Thịnh cho biết sẽ tiếp tục khiếu kiện Ngân hàng Bảo Việt về việc này.



Liên quan chuyện không thông báo cho ngân hàng khi chuyển địa chỉ, ông Hưng giải thích đã mời cán bộ tín dụng và cán bộ thu hồi nợ đến nhà để thông báo. Trong khi đó, BaoViet Bank khẳng định phải mất hàng tháng trời mới tìm được địa chỉ mới của ông Thịnh và phải tự tìm đến thay vì được mời.



Bình luận về sự việc này, Luật sư Phạm Thanh Bình - Công ty Luật sư Bảo Ngọc - cho rằng về nguyên tắc, ngân hàng có quyền thu hồi chiếc xe bởi đó hiện là tài sản của ngân hàng.



"Có chăng chỉ là phương pháp tiến hành chưa hài hòa lắm. Khi thay đổi địa chỉ, khách hàng phải thông báo bằng văn bản cho ngân hàng theo cam kết trong hợp đồng và không có quy định nào yêu cầu phải có mặt chủ xe khi tiến hành thu hồi tài sản đảm bảo", ông Bình cho biết.



Đồng quan điểm với ông Bình, một luật sư khác tại văn phòng tư vấn về pháp luật kinh tế tại Hà Nội cho rằng, việc ngân hàng phải dùng cách này để thu hồi tài sản đảm bảo là động sản khi siết nợ không hiếm.



"Khác với bất động sản, việc niêm phong, thu hồi các tài sản là động sản (như trường hợp này là chiếc ôtô) khá khó khăn bởi nhiều trường hợp khách hàng đã tìm cách tẩu tán những tài sản này trước khi ngân hàng đến và nhà băng đành bó tay", vị luật sư này nói.



Theo VnExpress

Nguồn:

Tin mới