Ngày 24/6, Hội nghị trực tuyến công bố sự hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2020 và chỉ số cải cách hành chính năm 2020 của các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương diễn ra tại Hà Nội. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước lần thứ 6 liên tiếp dẫn đầu chỉ số cải cách hành chính trong số các bộ, ngành.
Để đạt được những kết quả nổi bật trong suốt 10 năm qua (2011-2020), công tác cải cách hành chính của ngành ngân hàng luôn thể hiện sự quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục, trước hết từ nhận thức sau đến hành động.
Ngân hàng Nhà nước lần thứ 6 liên tiếp đứng đầu về cải cách hành chính.
Trong giai đoạn 10 năm qua, đã có hơn 80% thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa, đáp ứng tốt yêu cầu hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước là cơ quan đầu tiên công bố công khai cho doanh nghiệp, người dân Bộ thủ tục hành chính chi tiết, đầy đủ. Không dừng lại ở kết quả của Đề án 30, từ năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa 80 trên tổng số 257 điều kiện (đạt 31%).
Trong giai đoạn 2011 - 2020, Ngân hàng Nhà nước được giao tăng từ 35 lên 37 nhiệm vụ. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn cắt giảm toàn bộ cấp phòng tại 2 đơn vị cấp Vụ, giảm 74 đơn vị phòng trong toàn hệ thống, tỷ lệ giảm trên 16%. Đã cắt giảm từ 11 xuống còn 8 đầu mối trực thuộc; giảm 18 đơn vị cấp phòng của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp người dân cũng như nền kinh tế khắc phục khó khăn, Ngân hàng Nhà nước đã cụ thể hóa hành động cho toàn ngành chương trình kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh cho giai đoạn cũng như từng năm.
Trong đó tập trung vào việc đổi mới quy trình hoạt động ngân hàng, nâng cao minh bạch, cắt giảm thủ tục, tiết giảm chi phí hoạt động để hạ giá thành dịch vụ, giảm lãi suất cho vay trên cơ sở đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng…
Trước tác động mạnh của dịch bệnh COVID-19, Ngân hàng Nhà nước là một trong những Bộ, ngành đi đầu sớm có giải pháp chung với xã hội để tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động nền kinh tế, tạo những bứt phá trong giai đoạn khó khăn và đưa hoạt động kinh tế trở lại bình thường ngay sau khi dừng giãn cách xã hội...
Trong đó, việc khẩn trương ban hành Thông tư 01 quy định việc các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu tác động của dịch COVID-19 được các chuyên gia và công đồng doanh nghiệp đánh giá là những giải pháp rất hữu hiệu và hiệu quả. Thông tư này trực tiếp giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng theo chỉ đạo của Chính phủ.
Cũng theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, Ngân hàng Nhà nước đã xác định các nhiệm vụ cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030 tập trung vào 3 trụ cột chính, gồm cải cách hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại hóa phương thức điều hành; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần thực hiện tốt phương châm: “Đoàn kết, Kỷ cương, Đổi mới, Sáng tạo, Khát vọng phát triển” của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành.