Theo ADB, do tỷ lệ tiêm chủng cao, đẩy mạnh thương mại và tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng nên tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam có thể ở mức 6,5%.
Bên cạnh đó, báo cáo của ADB cũng đưa ra nhiều điểm tích cực của kinh tế Việt Nam như: Thị trường lao động đang phục hồi, cùng với các giải pháp kích thích tài chính và tiền tệ của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ sẽ thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp đạt mức dự kiến 9,5% vào năm 2022. Sản lượng nông nghiệp dự kiến tăng 3,5% trong năm nay, do nhu cầu trong nước phục hồi và giá cả hàng hóa toàn cầu tăng lên.
Tăng trưởng GDP năm 2022 dự báo đặt 6,5%.
Việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch vào giữa tháng 3 và nới lỏng các biện pháp kiểm soát đại dịch được kỳ vọng sẽ thúc đẩy dịch vụ, theo đó dự báo tăng trưởng ngành dịch vụ là 5,5% trong năm nay. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công sẽ thúc đẩy xây dựng và các hoạt động kinh tế liên quan. Cùng với sự phục hồi kinh tế và tình trạng bất ổn của giá dầu toàn cầu, lạm phát dự kiến tăng lên 3,8% vào năm 2022 và 4% vào năm 2023.
Việc tăng cường phối hợp giữa chính quyền trung ương và địa phương và sự dịch chuyển lao động phục hồi sẽ khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 dự kiến sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại khi đại dịch COVID-19 lắng xuống, hình thành các thị trường xuất khẩu ổn định và đáng tin cậy cho Việt Nam.
Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2022 cũng nêu rõ những rủi ro trong ngắn hạn có thể cản trở sự phục hồi của kinh tế Việt Nam như: Tình trạng nhiễm COVID-19 cao kể từ giữa tháng 3, nếu không được giảm bớt, có thể cản trở sự quay trở lại trạng thái bình thường của nền kinh tế trong năm nay.
Nền kinh tế toàn cầu phục hồi chậm lại và giá dầu thế giới tăng mạnh do chiến sự Nga - Ukraine sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu và lạm phát của Việt Nam. Sự phục hồi cũng phụ thuộc vào việc Chính phủ triển khai nhanh chóng và hiệu quả chương trình phát triển kinh tế.