Sáng 24/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với lĩnh vực Công Thương, Tài nguyên và Môi trường.
Đối với lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu khẩn trương rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản và các văn bản pháp luật liên quan; nhất là các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, điều kiện tham gia đấu giá, việc xác định giá khởi điểm, tỷ lệ tiền đặt trước, tiền đặt cọc khi tham gia đấu giá, thời hạn nộp tiền trúng đấu giá, việc xử lý khi cuộc đấu giá có dấu hiệu bất thường.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các cơ quan có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý các trường hợp trúng thầu, trúng đấu giá nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết của Quốc hội trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường. Các cơ quan tập trung xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và các luật có liên quan bảo đảm căn cứ chính trị, phù hợp với thực tiễn để thống nhất trong điều chỉnh các quan hệ về đất đai, tài sản gắn liền với đất, giao dịch quyền sử dụng đất...
Hoàn thiện chính sách điều tiết các nguồn thu từ đất, các quy định về thu hồi đất, giải phóng mặt bằng bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; Quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả các chỉ tiêu sử dụng đất đã được Quốc hội thông qua, Thủ tướng đã phân bổ cho từng địa phương. Việc lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp phải gắn với năng lực thực hiện.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu kiên quyết thu hồi đất của các nhà đầu tư hạ tầng không có năng lực, để chậm tiến độ nhằm sử dụng có hiệu quả đất khu công nghiệp để tạo môi trường đầu tư lành mạnh. Chính phủ cần khẩn trương hoàn thành quy hoạch tỉnh và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng và kế hoạch sử dụng đất an ninh 5 năm 2021-2025 trước 31/12/2022. Thông tin quy hoạch sử dụng đất phải được công khai, minh bạch.
Các cơ quan cần kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tình trạng lãng phí đất đai, đất được giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng, các hành vi gây ô nhiễm, làm hủy hoại đất, thoái hóa đất. Hoàn thiện hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về đất đai.
Nghiên cứu mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ quốc gia về xăng dầu
Đối với lĩnh vực Công Thương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu nghiên cứu mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ quốc gia về xăng dầu; thực hiện công khai, minh bạch và có giải pháp tách bạch giữa dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối về xăng dầu.
Về giá xăng dầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục điều hành giá xăng, dầu, bám sát diễn biến giá thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu.
Bên cạnh đó, kết hợp việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu với công cụ thuế và các công cụ khác để bình ổn thị trường; trường hợp giá xăng, dầu tăng cao, thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn (như ngư dân, người nghèo, người có thu nhập thấp…).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh xăng, dầu, rà soát điều chỉnh các loại thuế, phí và các yếu tố cấu thành giá cơ sở, các định mức hao hụt, định mức chi phí, định mức lợi nhuận… phù hợp với thực tế, đảm bảo công khai, minh bạch.
Bên cạnh đó, Chính phủ tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý, trái quy định. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành thị trường xăng, dầu.