Ngày đầu tháng 12, chúng tôi gặp anh Trần Đình Hà (41 tuổi), khi anh đang cùng 3 đồng nghiệp gói ghém đồ đạc, chuẩn bị cho chuyến tuần tra rừng kéo dài nhiều ngày. Anh Hà là nhân viên chuyên trách bảo vệ rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ (Nghệ An). Do xác định phải ngủ lại trong rừng, trong khi trời sắp mưa, hành trang của họ khá lỉnh kỉnh. Áo mưa, võng, mì ăn liền nhét chật kín ba lô.
Lương đã thấp, còn bị chậm
“Vào rừng ăn mì tôm cho nó tiện lợi, lại tiết kiệm”, anh Hà cười nói. Nhìn khí thế của những người giữ rừng này, không ai nghĩ rằng, đã 5 tháng rồi, họ không được nhận một đồng lương nào.
Phút nghỉ ngơi giữa rừng
Trạm bảo vệ rừng này được giao nhiệm vụ quản lý hơn 2.200 ha rừng thuộc địa bàn các xã Tân Hợp, Đồng Văn và Tiên Kỳ (Tân Kỳ, Nghệ An). Trước đây, trạm có 8 người nhưng do thu nhập quá thấp, công việc lại vất vả, áp lực, 4 người trẻ tuổi hơn đã xin nghỉ việc. Trong số 4 người còn lại, anh Hà là người trẻ nhất.
Làm công việc chuyên trách bảo vệ rừng đã 17 năm, nhưng mức lương hiện tại của anh Hà chỉ vỏn vẹn 4 triệu đồng/tháng. Nhà ở thị trấn Lạt (huyện Tân Kỳ), cách trạm đến 40km, anh Hà chỉ có thể về thăm mỗi tháng 2 lần. Vợ không có việc làm, 2 con đang tuổi ăn học, mọi chi tiêu trong nhà đều phải dựa vào đồng lương ít ỏi của anh. “Bạn bè rủ đi chơi tôi cũng chẳng dám đi. Mỗi tháng được 4 triệu đồng thì tôi dành 1 triệu đồng góp tiền ăn với anh em ở trạm. Còn 3 triệu đồng đưa về cho vợ”, anh Hà nói.
Lương thấp là vậy, nhưng éo le hơn, những người giữ rừng như anh Hà còn không được nhận đều đặn mỗi tháng. Năm ngoái, suốt 9 tháng liền, anh Hà và đồng nghiệp không được nhận lương. “Năm 2021, mãi đến tháng 9 chúng tôi mới được nhận 1 đợt, rồi đến cuối năm nhận tiếp. Một năm chỉ nhận lương 2 lần. Vì bị chậm lương nên cuộc sống gia đình cũng đảo lộn, phải xoay sở đủ kiểu”, anh Hà nói thêm.
Bữa ăn giữa rừng
Tình cảnh trong năm 2022 cũng chẳng khấm khá hơn là bao, khi mãi đến tháng 7, anh Hà và đồng nghiệp mới được nhận lương đợt đầu. Và kể từ đó đến nay, họ chưa nhận thêm được một đồng nào. Trong khi đó, công việc của những người này lại cực kỳ vất vả và nguy hiểm. Mỗi tháng, họ phải có ít nhất 20 ngày đi tuần tra xa. 17 năm làm nghề, anh Hà tính số đêm mắc võng ngủ trong rừng còn nhiều hơn ở nhà. Những năm gần đây, tình trạng phá rừng trồng keo diễn biến phức tạp. Cũng vì thế mà xung đột giữa người dân và lực lượng bảo vệ rừng ngày càng tăng.
“Tôi bị đánh suốt, cũng may chưa lần nào bị thương nghiêm trọng. Nhiều lần người dân vào chặt phá rừng trồng keo, chúng tôi bắt để xử lý thì ngày mai đi tuần tra họ lại chặn đánh”, anh Hà kể khi được chúng tôi hỏi về những sự nguy hiểm của nghề giữ rừng.
“Nếu không có tình yêu với rừng núi từ nhỏ, có lẽ tôi nghỉ việc lâu rồi. Cũng may là có vợ hiểu đam mê của tôi và thường xuyên động viên, nhưng có lẽ cũng không bám trụ lâu được nữa”, người đàn ông với khuôn mặt đen sạm sau nhiều năm chịu đựng sương gió giữa rừng núi nói trong nghẹn ngào.
Tình cảnh của anh Hà cũng là thực trạng chung hiện nay tại các ban quản lý rừng phòng hộ. Ông Đinh Văn Hải – Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ cho biết, do thu nhập thấp, công việc lại áp lực nên từ năm 2018 đến nay, đơn vị có 16 người nghỉ việc. Trong số này, có 15 người thuộc lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Hiện tại, Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ chỉ còn 18 người, trong đó 11 người trong biên chế và 7 người hợp đồng như anh Hà. Họ chịu trách nhiệm bảo vệ hơn 8.000 ha rừng trên địa bàn.
Tuần tra bảo vệ rừng
Người giữ rừng muốn nghỉ việc
Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng là lao động hợp đồng theo diện các đơn vị chủ rừng tự trang trải kinh phí trả lương. Đây là lực lượng nòng cốt thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, bao gồm cả trực tiếp thực hiện tuần tra bảo vệ, hướng dẫn tổ chức, nghiệm thu công tác bảo vệ rừng cho các đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng. Tuy nhiên, vì các chủ rừng chủ yếu được giao quản lý rừng tự nhiên, trong khi đang đóng cửa rừng nên hầu hết lâm vào cảnh không cân đối được nguồn thu để đảm bảo chi trả lương, dẫn đến không đảm bảo được nguồn thu nhập ổn định, đảm bảo đời sống cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Theo ông Hải, trước đây đơn vị dùng nguồn từ chính sách giao khoán để chi trả lương cho những người chuyên trách bảo vệ rừng. Tuy nhiên, chính sách này đã bị dừng từ hơn 2 năm nay. Vì thế, đơn vị không thể xoay sở nguồn thu nào khác.
“Chúng tôi biết chậm lương như thế là vi phạm Luật Lao động, nhưng không có cách nào khác cả. Năm nay chỉ mới trả được 7 tháng lương, nhưng khoản tiền để trả lương đó cũng là tạm ứng, đi vay của tỉnh. Sắp tới nếu chính sách không thay đổi, cũng chẳng biết lấy nguồn nào để trả nợ cho tỉnh chứ chưa nói đến việc tiếp tục chi trả lương cho anh em”, ông Hải nói và cho hay, chính sách bảo vệ và phát triển rừng hiện nay chưa có quy định nào cụ thể để đảm bảo được nguồn kinh phí hoạt động lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, dẫn đến các chủ rừng không có căn cứ để huy động các nguồn lực cho lực lượng này.
Ở huyện Tân Kỳ, Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn hai năm nay cũng “giật gấu vá vai” để chi trả tiền lương cho các nhân viên chuyên trách bảo vệ rừng. “Dù chúng tôi xoay sở đủ bề tìm nguồn thu nhưng cũng không đảm bảo được, thường xuyên phải nợ lương anh em đến vài tháng. Vì không bám trụ được, 2 năm nay đã có 4 người xin thôi việc khiến lực lượng bảo vệ rừng đã mỏng nay còn mỏng hơn”, ông Lê Hoàng – Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn nói.
Không chỉ với nhân viên hợp đồng, nhiều người trong biên chế, thậm chí đã giữ những chức vụ cao trong lực lượng kiểm lâm cũng đồng loạt xin nghỉ việc vì chế độ thấp, trong khi công việc lại áp lực, vất vả. Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An, trong giai đoạn năm 2016 đến hết tháng 4/2022, có 158 lao động xin thôi việc, nghỉ việc. Trong đó, trong biên chế là 34 người và hợp đồng dài hạn tự trang trải là 124 người. Nghỉ việc từ năm 2020 đến nay là 93 người, trong đó lực lượng kiểm lâm 44 người, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng 49 người.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, vài năm trở lại đây, trong số những người xin nghỉ có đến 5 người giữ hàm hạt trưởng. Nhận được đơn, Chi cục đã phải nhiều lần động viên nên 3 người trong số này từ bỏ ý định nghỉ việc. Ông Lê Xuân Đình – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu là một trong số đó.
Ông Đình kể, thời điểm ông làm đơn xin nghỉ là vào cuối năm 2019, khi vẫn còn 4 năm nữa mới về hưu. “Tôi làm kiểm lâm đã hơn 30 năm, chưa một lần được công tác gần nhà. Làm hạt trưởng gần 10 năm, tôi xin nghỉ là vì quá áp lực, trách nhiệm bảo vệ rừng quá lớn. Trong khi sức khỏe thì ngày càng yếu, nhưng tình trạng người dân chặt phá rừng trồng keo thì phức tạp. Mỗi khi nhận được tin, dù xa đến mấy cũng băng rừng tới tận nơi, rất vất vả”, ông Đình nói và cho hay, cũng vì áp lực trách nhiệm quá lớn, cấp phó của ông và một trạm trưởng cũng đã nghỉ việc. Vị trạm trưởng về quê đi xuất khẩu lao động.