Căn cứ trên đảo Musko được quân đội Thụy Điển xây dựng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Đây được xem là một bước phòng thủ nhằm chống lại “sức mạnh quân sự đang gia tăng” của quân đội Nga, The Guardian đưa tin.
Căn cứ hải quân của Thụy Điển trên đảo Musko.
Căn cứ hải quân này sẽ bảo đảm an toàn cho các tàu ngầm và tàu chiến cỡ nhỏ của Thụy Điển, trong điều kiện chiến tranh hạt nhân xảy ra. Trong thời bình, căn cứ được sử dụng làm cơ sở đóng tàu dân sự và chỗ neo đậu của các hạm đội Hải quân Thụy Điển.
“Các lực lượng vũ trang cần điều chỉnh hoạt động tác chiến của mình trước những thách thức ngày càng xấu đi của ngoại cảnh”, người phát ngôn Hải quân Thụy Điển phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí.
Theo đánh giá của nhà phân tích cao cấp Niklas Granzolm, Viện Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển, quyết định dời trụ sở lực lượng hải quân của Stockholm là nhằm bảo vệ căn cứ tàu ngầm của nước này, trong trường hợp Nga sử dụng đòn tấn công hạt nhân.
Căn cứ trên đảo Musko là nơi neo đậu của lực lượng tàu ngầm và tàu chiến cỡ nhỏ của Hải quân Thụy Điển. (Ảnh: Musko.nu)
Căn cứ hải quân trên đảo Musko được xây dựng từ những năm 1950 – 1960, là một trong những khu phức hợp ngầm lớn nhất thế giới hiện nay. Nó rất an toàn cho lực lượng tàu ngầm trong điều kiện chiến tranh hạt nhân.
Căn cứ ngầm Musko được xây dựng trên hòn đảo với kiến trúc đá vôi có độ dày lớn. Tổng khối lượng đá trong quá trình xây dựng vượt quá 1,5 triệu mét khối, khiến căn cứ này trở thành cơ sở quân sự trong lòng núi lớn nhất thế giới. Cấu trúc cơ bản của căn cứ bao gồm 3 đường hầm nối ra biển Baltic.
Cả 3 bến cảng của “pháo đài đá” này được khép kín bằng các cửa bảo vệ vững chắc, có thể chịu được áp lực của cuộc tấn công hạt nhân. Căn cứ được thiết kế để 1.000 quân nhân có thể đồn trú.
Tháng 1/2018, Hải quân Thụy Điển cũng quyết định khôi phục căn cứ tàu ngầm trên đảo Gotland, vốn đã bị bỏ hoang từ đầu năm 2000.
Bộ Quốc phòng Thụy Điển cho rằng, hai căn cứ đảo Musko và đảo Gotland có tầm quan trọng chiến lược đối với Stockkhom ở khu vực Baltic.