Cuối tuần qua, Triển lãm thời trang Nguyễn Công Trí và nghệ thuật đương đại Cục im lặng diễn ra. Đưa 10 bộ sưu tập (BST) trải dài 20 năm hoạt động trong ngành thời trang, nhà thiết kế (NTK) Công Trí mang đến cảm giác mới lạ.
Là triển lãm mang tầm quốc tế đầu tiên diễn ra ở Việt Nam, Công Trí khiến người xem hào hứng bởi không gian nghệ thuật mà anh kết hợp với các nghệ sĩ đương đại để thực hiện.
Ở BST No.1 – Trắng, Công Trí kết hợp với nghệ sĩ thị giác Ngô Đình Bảo Châu. Được biết, nghệ sĩ Bảo Châu lấy khởi điểm là câu chuyện về những lần tự truy vấn bản thân của Công Trí thời điểm mới chập chững vào nghề để tạo nên không gian này.
Tóc Tiên tạo dáng đầy thần thái trong không gian căn phòng đầu tiên.
Trong gian phòng thứ 2, Công Trí và nghệ sĩ múa Thanh Phương đưa BST No.2 – Cãi lại với những thiết kế khá giống áo dài vào không gian của một sân khấu múa.
Ninh Dương Lan Ngọc hào hứng khám phá căn phòng này.
Còn với căn phòng thứ 3 của BST No.3 – Cảm, Công Trí và kiến trúc VUUV biến thể ngôn ngữ đan lát tre nứa truyền thống, đem lại một luồng gió mới cho nghệ thuật thủ công Việt Nam, vận dụng vào bố cục không gian nhằm tạo ra bầu không khí kiến trúc khá ấn tượng.
Nhiều người nhận xét, đến khi tận mắt được thấy sự tinh tế trong từng tác phẩm của Công Trí, họ mới hiểu vì sao anh lại được nhiều ngôi sao quốc tế tin tưởng.
Là nghệ sĩ thị giác từng tham gia nhiều triển lãm quốc tế, Lu Yang mang đến buổi triển lãm của Công Trí cảm giác “rùng mình” với video nổi tiếng nhất trong sự nghiệp là “Mạn Đà La hoang tưởng”.
Tác phẩm nghệ thuật của Lu Yang và thiết kế trong BST No.4 – Cắt lớp của Nguyễn Công Trí đều cùng một câu hỏi: “Tận cùng bản thể học của con người là gì? Phải chăng chính là xác thịt – cấu tạo căn bản, thứ liên đới mật thiết tới sự tồn tại của mỗi sinh linh – sự sống rồi cái chết?”.
Kết hợp với nghệ sĩ thị giác Trương Công Tùng, BST No.5 – Trói của NTK Công Trí lại được thể hiện đầy màu sắc với không gian ấn tượng.
Ý niệm về “sự vây hãm của con người trước những cám dỗ từ tiện nghi vật chất hiện đại” trong BST của Công Trí được nghệ sĩ Trương Công Tùng đặc biệt đồng cảm. Nếu nhìn vào trang phục của nhà thiết kế, có thể thấy sự ẩn dụ về chiếc lồng giam giữ con người, thì tác phẩm của Công Tùng tựa như một lời ám chỉ ngầm cho trạng thái nhân loại đang mắc kẹt dưới “hang động” của kỷ nguyên công nghệ.
Còn ở BST No.6 - Trói, nghệ sĩ/biên đạo/nhà giáo dục Alexander Tú mang chất liệu nghệ thuật dân gian cùng tinh thần Việt đến với công chúng, thông qua kĩ thuật vũ đạo mang hơi thở thời đại.
Trong BST này, Công Trí mường tượng một viễn cảnh nơi con người không còn là trung tâm của mọi sự sống mà là loài nấm, và hình hóa cụ thể nấm thành những mẫu trang phục đẹp mắt.
Nhiếp ảnh gia Hứa Như Xuân nổi tiếng trong giới thời trang với những bộ hình nghệ thuật hợp tác cùng các tạp chí danh giá trong nước và quốc tế nên trong triển lãm này, cô lần đầu thử nghiệm nghệ thuật sắp đặt dành riêng cho BST No.7 – Cảm ơn Sài Gòn của Công Trí.
Sử dụng ánh sáng và sân khấu dựng cảnh, căn phòng này mang đến nhiều cảm xúc cho người xem.
Căn phòng có BST No.8 – Tiếng vọng, các sáng tạo của nghệ sĩ thị giác Tùng Khỉ tập trung vào nghệ thuật trình chiếu kĩ thuật số thời gian thực. Anh thể nghiệm những hình ảnh hoạt hoạ thú vị hay các luồng ánh sáng 3D độc đáo, kết hợp cùng video nghệ thuật để tạo ra chuỗi liên hoàn những hiệu ứng duy mĩ trong từng khoảnh khắc. Sơn Tùng M-TP cũng đặc biệt thích thú với căn phòng này.
Là một nghệ sĩ sử dụng công nghệ làm chất liệu sáng tác chính, Tùng Khỉ đối lập với ý tưởng trong bộ sưu tập No.8 của Công Trí, khi các thiết kế xoay quanh chất vấn về sự vây hãm của Internet và mạng xã hội nhưng điều này lại tạo hiệu ứng khá tốt.
Giữ vai trò đặc biệt trong căn phòng có BST No.9 – Lúa, nghệ sĩ thị giác Truc-Anh tái hiện không gian nghệ thuật đặc sắc, được đầu tư chỉn chu từng chi tiết nhỏ.
Nghệ sĩ Truc-Anh thích thú với cách tiếp cận của Công Trí trong BST này khi anh không phản đối những điều vốn được xem là trái ngược nhau, như truyền thống và tính đương thời, hình học chính xác và dáng vẻ hữu cơ, ruộng lúa nông thôn và khoa học viễn tưởng.
Trong sự nghiệp của Công Trí, BST No.10 – Em hoa có lẽ là BST được biết đến nhiều nhất. Đây cũng là BST xuất hiện trong căn phòng cuối cùng và được NTK 8X kết hợp cùng đạo diễn/nhà sản xuất phim Bảo Nguyễn.
Em hoa được lấy cảm hứng từ hình ảnh quen thuộc của những gánh hàng hoa bán dạo ở Sài Gòn khiến đạo diễn, nhà sản xuất phim bảo Nguyễn liên tưởng về sự kiện phát hiện hang Sơn Đoòng – một kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp của Việt Nam. Vì vậy, anh phát triển dựa trên ý tưởng này, như một câu chuyện về sự khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn.