Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nga xoay sở với chuỗi cung ứng bị gián đoạn ra sao?

(VTC News) -

Đối mặt với suy thoái nghiêm trọng do cách lệnh trừng phạt từ phương Tây, Nga tìm cách duy trì nền kinh tế và công nghiệp trong nước.

Một số nhà kinh tế dự đoán nền kinh tế Nga sẽ sụp đổ nhanh chóng vì các biện pháp trừng phạt nặng nề được áp dụng từ tháng 3/2022. Tuy nhiên điều này đã không xảy ra, nhưng năng lực sản xuất của nước này đang dần dần đi xuống. Một số chuyên gia lập luận rằng xã hội Nga đang bị đẩy lùi hàng thập kỷ. Nhiều ngành công nghiệp đang gặp khó khăn trong công nghệ và tìm nguồn nguyên liệu. Nhập khẩu của Nga đã giảm 20-25% kể từ khi xung đột với Ukraine nổ ra. Đối với một quốc gia với nhiều năm giao thương toàn cầu như Nga, các lệnh cấm vận có tác động đáng kể đến toàn bộ nền kinh tế. 

Các tàu chở than gần Mezhdurechensk, Nga. (Ảnh: Bloomberg)

Kể từ khi các đòn trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga có hiệu lực, ngày càng xuất hiện nhiều “chuyên gia xuất nhập khẩu" tại nước này. Công việc của họ là tìm những kẽ hở pháp lý và đưa nhiều mặt hàng đã bị cấm vận qua hải quan vào Nga để phục vụ nhu cầu trong nước. Những người này cho biết tuy công việc tạo ra lợi nhuận cao nhưng thiếu ổn định và đi kèm nhiều rủi ro. 

Có thể thấy, nền kinh tế của Nga sẽ gặp phải nhiều khó khăn nếu tiếp tục phụ thuộc vào thị trường ngầm mang tính tạm thời này. Tuy nhiên, Nga có rất ít lựa chọn để tránh các lệnh trừng phạt từ phương Tây và tiếp cận sản phẩm và linh kiện mang thương hiệu nước ngoài.

Elina Ribakova, nhà kinh tế học tại Viện Tài chính Quốc tế, cho biết Nga từng nhập khẩu hơn 50% lượng hàng hoá trong nhiều ngành công nghiệp, trong đó gồm dược phẩm, sản xuất hóa chất, chế tạo máy, kim loại và khai thác mỏ. Trong trung hạn, người tiêu dùng sẽ phải thích nghi với mẫu mã hàng hóa hạn chế và chất lượng sản phẩm thấp hơn so với trước đây.

Tương lai kinh tế dài hạn của Nga sẽ phụ thuộc vào khả năng sản xuất nội địa các sản phẩm thay thế cho hàng hóa nước ngoài, hoặc tìm nguồn hàng tương tự từ các nước đồng minh như Trung Quốc, hoặc dựa vào các “chuyên gia xuất nhập khẩu".

Nền kinh tế Nga suy thoái nghiêm trọng

Nhiều con đường nhập khẩu mua hàng thông qua các công ty bình phong ở châu Âu và gửi chúng bằng xe tải đến các quốc gia thuộc Liên Xô cũ có chung liên minh hải quan với Nga, chẳng hạn như Kazakhstan và Armenia. Tuy nhiên, quy trình này mang tính chắp vá và tốn kém, và các đơn hàng không thông dụng gặp rất nhiều khó khăn để tới biên giới Nga.

Dữ liệu về nhập khẩu của Nga đã được bảo mật không lâu sau khi xung đột với Ukraine bắt đầu. Nhưng các nhà kinh tế, sử dụng dữ liệu từ các đối tác thương mại chính của nước này, dự liệu rằng nhập khẩu đã giảm mạnh vào mùa xuân 2022, và phục hồi không đáng kể vào mùa thu. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), lượng hàng hoá Mỹ xuất khẩu sang Nga giảm 85% trong tháng 5 so với cùng tháng năm 2021. Ngân hàng Thế giới, IMF và các tổ chức khác dự báo nhập khẩu của Nga trong cả năm nay sẽ giảm 1/4 so với năm 2021. Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8, Nga mỗi tháng nhập khẩu ít hơn 4,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Cảng thương mại ở Kaliningrad, Nga ngày 28/10/2021. (Ảnh: Reuters)

Nhu cầu nhập khẩu ở Nga giảm một phần khác do suy thoái kinh tế và lạm phát gia tăng làm giảm thu nhập của các hộ gia đình, cộng thêm việc các công ty phương Tây có chi nhánh ở Nga đồng loạt ngừng kinh doanh. Lĩnh vực sản xuất ô tô đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề, với sản lượng giảm 80% trong tháng 9 so với cùng kì năm trước. Nhiều nhà sản xuất và phân phối ô tô phương Tây đã bán tháo mảng kinh doanh tại Nga, hiện tại còn lại 14 nhà sản xuất ô tô trên thị trường, tất cả đều là thương hiệu từ Trung Quốc và ba thương hiệu nội địa. 

Mặc dù nền kinh tế Nga đã tránh được viễn cảnh tồi tệ nhất, với GDP dự kiến ​​sẽ giảm 3,5-5,5% trong năm nay, các nhà phân tích nhận định rằng tốc độc tăng trưởng dài hạn sẽ chững lại đáng kể do hạn chế nhập khẩu cản trở việc nâng cấp công nghệ. Các ngành công nghiệp địa phương thay thế chuỗi cung ứng quốc tế thường kém chất lượng hơn và dòng hàng nhập khẩu hiện tại không được ổn định. Nhà kinh tế Jacob Nell, chánh văn phòng của tổng thống Ukraine, cho rằng rất khó để Nga xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh khi đối mặt các biện pháp trừng phạt toàn diện. Ngay cả trong trường hợp Nga có được bản thiết kế các công nghệ mới, cũng rất khó để nước này sản xuất đủ số lượng để thương mại hoá lâu dài. 

Có ý kiến tin rằng lợi nhuận tiềm năng từ phân khúc xa xỉ cao tới mức nhiều mặt hàng sẽ tiếp tục được đưa vào Nga, bất chấp lệnh trừng phạt. Những người khác coi những thách thức hiện tại là cơ hội để học hỏi và thích nghi, coi Iran là một ví dụ về một quốc gia đã phát triển chuỗi cung ứng của riêng mình và dựa vào vào thị trường chợ đen để có phụ tùng thay thế.

Nga cố gắng "tự lực cánh sinh"

Vào tháng 8, một ngân hàng quốc doanh lớn tại Nga đã liệt kê các ngành có nguy cơ cao bị gián đoạn chuỗi cung ứng, trong đó bao gồm ngành chế tạo máy bay, dược phẩm và công nghệ y tế, sản xuất vi mạch, thiết bị công nghệ thông tin cấp cao và công nghệ chế tạo tàu vũ trụ. Sau đó, nội các tuyên bố rằng họ đã thay thế thành công hàng nhập khẩu trong một số lĩnh vực này. Tháng 11, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin tuyên bố chính phủ vẫn đang duy trì ngành hàng không và chế tạo máy bay, bất chấp các nỗ lực cản trở của phương Tây, và tiến hành mở rộng việc phát hành công nghệ trong nước.

Việc buôn lậu, đi đường vòng hàng nhập khẩu vào Nga đang trở nên khó khăn hơn do các quy định mới áp dụng tại các nước trung gian. Đầu tháng 12, EU đề xuất coi việc trốn tránh lệnh trừng phạt là một tội hình sự, khiến các lô hàng càng gặp khó khăn để thông quan vào Nga.

Đáp lại, chính phủ Nga đang cố gắng khôi phục chuỗi cung ứng và thúc đẩy sản xuất trong nước, với nhiệm vụ duy trì "chủ quyền công nghệ" của Nga và coi việc thay thế hàng nhập khẩu là "vấn đề an ninh quốc gia". Tuy nhiên, nỗ lực thúc đẩy sản xuất trong nước này có khả năng dẫn đến sự can thiệp mạnh tay của nhà nước làm hạn chế cạnh tranh tự do trong nền kinh tế. Tuy nhiên, động thái này của chính phủ Nga không phải là “lấy muối bỏ bể”, một cuộc khảo sát các công ty Nga của ngân hàng trung ương vào tháng 4 cho thấy 2/3 doanh nghiệp phải vật lộn với chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Vào mùa hè 2022, con số đó đã giảm xuống còn 50%.

Ông Denis Manturov, Bộ trưởng Công Thương Nga, được chính phủ giao trọng trách khôi phục chuỗi cung ứng. (Ảnh: TASS)

Nga đã hợp pháp hóa việc nhập khẩu nhiều loại hàng hóa mang thương hiệu phương Tây, mà không cần sự đồng ý của nhãn hàng. Chính sách này mang tên "nhập khẩu song song" (parallel imports). Ước tính từ đầu năm, Nga đã nhập khẩu hơn 20 tỷ USD giá trị hàng hoá thông qua chính sách này.

Con đường nhập khẩu này trước đây được coi là vi phạm bản quyền, đã được Nga “nhắm mắt làm ngơ". Một phương pháp phổ biến để “nhập khẩu song song” là các công ty ở một quốc gia như Kazakhstan đặt mua số lượng lớn và sau đó nhập khẩu vào Nga. 

Tuy nhiên, phương pháp này không hiệu quả với những mặt hàng không phổ thông, ví dụ máy chủ và vi mạch điện tử. Lí do là vì các nhà sản xuất trở nên cảnh giác với các đơn đặt hàng khối lượng lớn từ các quốc gia như Armenia và Kazakhstan - những nơi có nhiều dân di cư từ Nga và “thiên đường" nhập khẩu song song. Một giám đốc điều hành cấp cao tại một công ty công nghệ lớn của Nga cảnh báo về tác động lâu dài của tình trạng thiếu vi mạch đối với nền kinh tế Nga, nói rằng nước này sẽ "tụt hậu" nếu không thể đảm bảo nguồn cung cấp vi mạch ổn định. 

Nhà máy điện Cheboksary ở Nga đã phải thích ứng bằng cách tìm các sản phẩm thay thế trong nước cho các linh kiện nhập khẩu, chẳng hạn như vi mạch và động cơ đều được chuyển hướng sang các nhà cung cấp nội địa. Nhà máy cũng đã phải tạm dừng một số dòng sản phẩm quá phụ thuộc vào các bộ phận từ phương Tây. Tuy nhà máy cố gắng tiếp tục sản xuất, trình độ công nghệ và chất lượng đầu ra đã bị ảnh hưởng xấu do gián đoạn chuỗi cung ứng. Nhà máy thừa nhận rằng họ sẽ không thể sản xuất thiết bị ở trình độ công nghệ như các nước phương Tây, nhưng khách hàng trong nước, vì nhiều lý do, vẫn sẵn lòng chấp nhận. Nhà kinh tế học Branko Milanovic gọi quá trình này là "thụt lùi về mặt công nghệ", thay thế hàng hóa nhập khẩu bằng "hàng hóa thay thế nội địa lỗi thời, kém chất lượng". Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp tại Nga đang trải qua quá trình này.

Có vẻ như các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga nhằm đáp trả những diễn biến tại Ukraine đã gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho nước này. Để đối phó với những thách thức kể trên, Nga đã đưa ra nhiều biện pháp ứng phó dưới tình hình nền kinh tế bị suy thoái nghiêm trọng. Không rõ những thách thức này sẽ kéo dài bao lâu, nhưng có vẻ trong tương lai gần Nga sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nặng bởi các biện pháp trừng phạt từ phương Tây.

Hoàng Linh

Tin mới