Theo đó, Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc sẽ ký thỏa thuận nhằm nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua biển Đen.
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết, thỏa thuận sẽ bao gồm việc kiểm soát chung để kiểm tra các chuyến hàng tại các bến cảng. Ankara sẽ có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho các tuyến đường xuất khẩu trên biển Đen.
Ukraine là một trong những nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới. (Ảnh: Reuters)
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ thành lập một trung tâm điều phối với Ukraine, Nga và Liên hợp quốc để xuất khẩu ngũ cốc.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo nói: "Chúng ta đã chứng kiến một bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, sẽ cần nhiều công việc kỹ thuật hơn để hiện thực hóa tiến độ".
Đề cập đến triển vọng cho các cuộc đàm phán hòa bình để chấm dứt chiến sự ở Ukraine, ông Guterres nói rằng Moskva và Kiev cho thấy họ có thể tham gia với nhau, nhưng hòa bình vẫn còn "một chặng đường dài".
Xung đột Nga - Ukraine đã khiến giá ngũ cốc, dầu ăn, nhiên liệu và phân bón tăng vọt. Xung đột cũng khiến xuất khẩu ngũ cốc bằng đường biển bị đình trệ, khiến hàng chục tàu bị mắc cạn và khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt trong các hầm lưu trữ ở Odesa.
Ukraine và Nga là những nhà cung cấp lúa mì lớn trên toàn cầu. Nga cũng là nước xuất khẩu phân bón lớn, trong khi Ukraine là nhà sản xuất ngô và dầu hướng dương chiếm tỷ trọng đáng kể trên thị phần quốc tế.
Trước đó, Nga nhấn mạnh nước này không ngăn cản việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine bằng đường biển.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố Moskva đảm bảo việc đi lại của các tàu chở ngũ cốc Ukraine không bị cản trở nếu Kiev dỡ bỏ bom mìn khỏi các cảng của mình và có thể đảm bảo xuất khẩu hàng hóa qua các cảng Berdyansk và Mariupol do Nga kiểm soát.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cũng nhấn mạnh, Nga sẵn sàng cho quá trình đàm phán với phía Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ về xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Theo ông Lavrov, quân đội đóng vai trò then chốt trong quá trình này.