Dự thảo nghị quyết áp thêm lệnh trừng phạt lên Triều Tiên do Mỹ soạn thảo. Cuộc bỏ phiếu diễn ra ngày 26/5 tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhận được 13 phiếu ủng hộ.
Tuy nhiên, nghị quyết không được thông qua sau khi Nga và Trung Quốc - hai thành viên thường trực sử dụng quyền phủ quyết. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2006 một dự thảo nghị quyết nhắm vào Triều Tiên bị chặn tại Hội đồng Bảo an.
Triều Tiên liên tục thử nghiệm các vụ phóng tên lửa từ đầu năm đến nay.
Trung Quốc và Nga đã phủ quyết các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên vì lý do nhân đạo. Hai nước này cho rằng, các lệnh cấm vận mới là vô ích và thậm chí là "vô nhân đạo" khi Bình Nhưỡng đang phải vật lộn để ngăn chặn đợt bùng phát của đại dịch COVID-19.
“Chúng tôi không cho rằng các biện pháp trừng phạt bổ sung sẽ hữu ích trong việc ứng phó với tình hình hiện tại. Điều này chỉ làm cho tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn”, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Zhang Jun cho hay.
Trong khi đó, đại diện Nga tại tổ chức này Vasily Nebenzya cũng cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần nói rằng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên chỉ đi vào ngõ cụt. Chúng tôi nhấn mạnh đến sự thiếu hiệu quả và vô nhân đạo của các lệnh cấm vận đối với Bình Nhưỡng”.
Nghị quyết mới do Mỹ đề xuất sẽ cắt giảm 25% nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Triều Tiên, áp đặt các biện pháp trừng phạt hàng hải bổ sung và cấm nước này xuất khẩu nhiên liệu khoáng sản, dầu và sáp.
Washington cũng đề xuất phong tỏa tài sản toàn cầu đối với tập đoàn nhà nước giám sát người lao động Triều Tiên ở nước ngoài, cũng như nhóm tội phạm mạng Lazarus - bị cáo buộc hoạt động gián điệp mạng, đánh cắp dữ liệu...
Lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên liên quan chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân nước này đạt đồng thuận tại Hội đồng Bảo an trong suốt 16 năm qua. Lần gần nhất Liên hợp quốc áp thêm lệnh trừng phạt nhắm vào Triều Tiên là năm 2017.
Cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an diễn ra một ngày sau khi Triều Tiên phóng 3 tên lửa. Hàn Quốc cho biết, một trong số này là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Vụ phóng tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng được thực hiện sau chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Đây là vụ thử tên lửa lần thứ 17 của Bình Nhưỡng trong năm nay. Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm ICBM lần gần đây nhất vào ngày 24/3. Các cơ quan quân sự và tình báo Mỹ đánh giá Bình Nhưỡng có thể cũng đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân dưới lòng đất đầu tiên sau gần 5 năm.