Ông Kirill Polous, một thành viên cấp cao của tập đoàn Gazprom cho biết: "Theo tính toán từ hợp đồng cung cấp khí đốt của dự án Power of Siberia đã ký trước đây giữa Trung Quốc và Nga, tổng khối lượng theo hợp đồng lên tới 48 tỷ m3".
Đề cập đến sự chuyển đổi sang tiền tệ quốc gia trong các thỏa thuận thương mại giữa Trung Quốc và Nga, ông Kirill Polous nói rằng “tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông vừa diễn ra, hai bên đạt được một thỏa thuận để chuyển thanh toán cho nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống dẫn khí đốt Power of Siberia sang đồng rúp và nhân dân tệ”.
Trung Quốc - Nga đạt thỏa thuận thanh toán khí đốt bằng đồng rúp và nhân dân tệ. (Ảnh: Reuters)
Theo Reuters, ngày 6/9, tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga cho biết đã ký một thỏa thuận để Trung Quốc bắt đầu thanh toán mua khí đốt bằng nhân dân tệ và rúp thay vì USD.
Gazprom đã tăng cường xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc thông qua đường ống lớn Power of Siberia (Sức mạnh Siberia). Đường ống xuyên biên giới này dài 3.000 km bắt đầu cung cấp chính thức khí đốt tự nhiên của Nga cho Trung Quốc vào năm 2019. Công suất của tuyến đường ống này là 61 tỷ m3 khí mỗi năm.
Nga và Trung Quốc đạt được thỏa thuận cung cấp khí đốt qua đường ống "Sức mạnh Siberia" vào năm 2014, với việc Gazprom và tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) ký hợp đồng cung cấp khí đốt trong vòng 30 năm. Thỏa thuận này trị giá 400 tỷ USD. Đây là thỏa thuận lớn nhất từ trước đến nay của Gazprom. "Sức mạnh Siberia" là đường ống dẫn khí đốt tự nhiên đầu tiên giữa Nga và Trung Quốc.
Công ty Nga đang thực hiện dự án "Sức mạnh Siberia 2", liên quan đến việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt đến Trung Quốc qua lãnh thổ của Mông Cổ. Đường ống này có khả năng cung cấp tới 50 tỷ m3 khí một khi đi vào hoạt động.
Bên cạnh khí đốt, Trung Quốc cũng mạnh tay nhập dầu và than của Nga thời gian qua. Hồi tháng 7, Nga đã vượt qua Saudi Arabia, giữ vai trò là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của Trung Quốc trong tháng thứ 3 liên tiếp.
Theo dữ liệu công bố của Cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu dầu của Nga - thông qua cả đường biển và đường ống - đạt 7,15 triệu tấn trong tháng 7, tăng 7,6% so với một năm trước. Trong khi đó, nhập khẩu than hằng tháng từ Nga cũng tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức cao kỷ lục 7,42 triệu.