Hôm 18/7, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng Đức đang yêu cầu Moskva đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, nhưng chính Berlin và Paris phá vỡ thỏa thuận như vậy.
“Thủ tướng Đức Olaf Scholz yêu cầu Nga ký một thỏa thuận cho phép Ukraine đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền, song mọi nỗ lực của ông ấy đều vô ích. Đã có một thỏa thuận như vậy - thỏa thuận Minsk, và chính Berlin và Paris đã 'khai tử' thỏa thuận này. Các nước này hậu thuẫn cho Kiev, công khai từ chối tuân thủ thỏa thuận", Ngoại trưởng Sergey Lavrov nói.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Nga)
Nga, Đức và Pháp đóng vai trò trung gian cho các thỏa thuận Minsk năm 2015 giữa Ukraine và vùng Donbass. Thỏa thuận này được thiết kế nhằm chấm dứt tình trạng giao tranh ở khu vực này. Tuy nhiên, ông Lavrov cho rằng Berlin và Paris đã không đảm bảo được sự tuân thủ của Kiev.
Ngoại trưởng Nga lưu ý, cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko thừa nhận thỏa thuận Minsk không có ý nghĩa đối với Kiev và Ukraine chỉ sử dụng thỏa thuận này để "câu giờ".
“Nhiệm vụ của chúng tôi là ngăn chặn mối đe dọa... Ukraine câu giờ để khôi phục tăng trưởng kinh tế và tạo ra lực lượng vũ trang hùng mạnh. Nhiệm vụ này đã đạt được", cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết hồi tháng 6.
Ngoại trưởng Lavrov cũng nhấn mạnh, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có cơ hội thực hiện các thỏa thuận Minsk tại hội nghị thượng đỉnh định dạng Normandy được tổ chức ở Paris hồi tháng 12/2019. Sau các cuộc đàm phán với lãnh đạo Nga, Đức và Pháp, ông Zelensky cam kết giải quyết các vấn đề xung quanh quy chế đặc biệt của Donbass.
“Tất nhiên, ông Zelensky không làm gì cả, và Berlin và Paris lại một lần nữa hậu thuẫn cho ông ấy", Ngoại trưởng Lavrov cho hay.
Theo nội dung thỏa thuận Minsk, một loạt các biện pháp được thiết kế để kiềm chế các hành vi thù địch ở Donbass và hòa giải các bên tham chiến. Các bước đầu tiên là ngừng bắn và các bên rút vũ khí hạng nặng từ tiền tuyến do Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu ( OSCE ) giám sát, đã được hoàn thành ở một mức độ nào đó.
Sau đó, Kiev sẽ ban hành lệnh ân xá chung cho phe nổi dậy và quyền tự trị rộng rãi cho các khu vực Donetsk và Lugansk. Quân đội Ukraine được cho là sẽ giành quyền kiểm soát các khu vực do phiến quân nắm giữ sau khi Kiev trao quyền đại diện hoặc sẽ tái hòa nhập họ như một phần của Ukraine.
Chính phủ của cựu Tổng thống Poroshenko từ chối thực hiện các phần này trong thỏa thuận Minsk, tuyên bố điều đó không thể tiến hành khi không đảm bảo ranh giớ giữa các nước cộng hòa ly khai và Nga. Thay vào đó, ông ủng hộ chính sách phong tỏa kinh tế đối với các khu vực nổi dậy.
Việc Kiev không thực hiện lộ trình theo thỏa thuận Minsk và tiếp tục có những hành động thù địch với phiến quân ở Donbass là một trong những lý do chính được Nga viện dẫn khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2.
Trước đó, Moskva công nhận các nước cộng hòa ly khai của Ukraine là các quốc gia có chủ quyền, đưa ra các bảo đảm an ninh cho họ và yêu cầu Kiev rút quân.