Trả lời phỏng vấn với kênh tin tức Rossiya 24, Ngoại trưởng Sergey Lavrov lưu ý một số quốc gia đang cố gắng sử dụng vấn đề an ninh lương thực “theo cách tồi tệ nhất có thể” với việc đổ lỗi cho Moskva.
Theo ông Sergey Lavrov, những tuyên bố gần đây của Thủ tướng Anh Boris Johnson và Bộ trưởng Ngoại giao Liz Truss cho thấy Anh “rõ ràng đang cố gắng tạo lý do để cho hải quân Hoàng gia Anh xâm nhập biển Đen và gần như phụ trách tất cả các quy trình giải phóng ngũ cốc từ những cảng do người Ukraine khai thác".
Tàu chở ngũ cốc đang kẹt tại các cảng của Ukraine do xung đột. (Ảnh: Getty)
Trong hội nghị thượng đỉnh G7 vừa được tổ chức ở Đức, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã kêu gọi hành động khẩn cấp giúp chuyển nguồn cung cấp ngũ cốc ra khỏi các cảng biển Đen. Lãnh đạo Anh cho rằng, với kinh nghiệm của mình, hải quân Anh hoàn toàn có thể vận chuyển hàng hóa trong các vùng biển tranh chấp.
Trước đó, trong lần thứ 2 thăm Ukraine, ông Johnson cho biết Anh sẽ làm việc với Kiev để "giải phóng" lượng ngũ cốc có thể xuất khẩu qua biển Đen.
Vương quốc Anh cũng cam kết tài trợ 10 triệu bảng Anh (12,1 triệu USD) vật liệu và thiết bị cho Ukraine để sửa chữa cơ sở hạ tầng đường sắt và giúp đưa ngũ cốc ra khỏi đất nước bằng đường sắt.
Chính phủ Anh cũng đang đầu tư 1,5 triệu bảng Anh (1,8 triệu USD) phát triển quy trình "xác định ngũ cốc do Nga bán trên thị trường thế giới có được lấy bất hợp pháp từ Ukraine hay không”.
Kiev và các quốc gia phương Tây cáo buộc Nga chặn xuất khẩu lương thực từ các cảng ở biển Đen của Ukraine. Đây được cho là lý do khiến giá lương thực toàn cầu tăng vọt.
Tuy nhiên, Moskva bác bỏ cáo buộc, nói rằng Nga đã cung cấp lối đi an toàn cho các tàu vận tải nhưng Ukraine đang ngăn các tàu dân sự rời cảng. Nga cũng cho biết việc Kiev triển khai mìn trên biển đe dọa hoạt động vận tải biển trong khu vực.
Ukraine là nhà sản xuất ngũ cốc lớn, không thể xuất khẩu ngũ cốc của mình bằng đường biển do xung đột đang diễn ra ở nước này. Ước tính khoảng 22-25 triệu tấn ngũ cốc đang bị mắc kẹt tại các cảng của Ukraine.