Theo đó, gã khổng lồ năng lượng Gazprom của Nga cho biết việc giao hàng thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) đến Đức sẽ tiếp tục bị cắt giảm, đưa mức giảm tổng thể thông qua đường ống dưới biển lên 60%.
Công suất cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream sẽ giảm xuống còn 67 triệu m3/ngày. Gazprom cho biết, việc hạn chế dòng chảy sẽ bắt đầu từ 22 giờ 30 phút ngày 16/6.
Nga đang cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu. (Ảnh: Getty)
Gazprom nói rằng họ phải giảm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên thông qua đường ống Nord Stream vì tập đoàn của Đức Siemens đã không trả lại các trạm bơm khí sau khi sửa chữa do lệnh trừng phạt của Canada đối với chính quyền Moskva.
Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck gọi động thái của Gazprom là "quyết định mang tính chính trị chứ không chính đáng về mặt kỹ thuật". “Rõ ràng là chiến lược này là nhằm tạo ra bất an cho các nước và đẩy giá lên cao", ông nói.
Đường ống Nord Stream được đưa vào vận hành vào năm 2012 để vận chuyển khí đốt từ tây bắc nước Nga tới Đức qua biển Baltic. Nord Stream được kết nối bởi trạm nén Portovaya ở Nga với một trạm tương đương ở Greifswald ở đông bắc nước Đức. Đường ống này cung cấp cho thị trường Liên minh châu Âu (EU) khoảng 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm.
Theo dữ liệu từ sàn giao dịch London ICE, giá xăng ở châu Âu tăng gần 25%, lần đầu tiên vượt mức 1.300 USD/nghìn m3 kể từ ngày 27/4.
EU đang tìm cách giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng Nga, song việc áp lệnh cấm vận khí đốt tạo sự chia rẽ sâu sắc trong khối này bởi một số nước phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung từ Moskva. Nga đang cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu.
Thời gian qua, Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan và Hà Lan đã bị Nga cắt nguồn cung khí đốt do từ chối thanh toán bằng đồng rúp.