Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nga thay đổi Hiến pháp: Tương lai Tổng thống Putin ra sao? 

(VTC News) -

Tương lai của Tổng thống Putin sẽ ra sao khi Duma Quốc gia bỏ phiếu thông qua sửa đổi Hiến pháp và sẽ được quyết định bởi cuộc bỏ phiếu toàn Nga vào ngày 22/4?

Tái tranh cử?

Ngày 11/3, Duma Quốc gia Nga thông qua lần cuối việc sửa đổi Hiến pháp liên bang, với kết quả 383 phiếu thuận và 43 phiếu trắng, không có phiếu chống.

Ngay sau đó, Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện Nga) cũng đã thông qua bản dự thảo thay đổi Hiến pháp.

Tổng thống V.Putin phát biểu trước Duma Quốc gia hôm 10/3. (Ảnh: Ria Novosti)

Như vậy, bản Hiến pháp sửa đổi trên sẽ được phê duyệt nếu tiếp tục nhận được ý kiến đồng thuận của đa số người dân Nga trong cuộc bỏ phiếu toàn liên bang vào ngày 22/4 tới.

Tại cuộc họp hôm 10/3, Phó Chủ tịch Duma quốc gia Valentina Tereshkova công khai bày tỏ việc sửa đổi Hiến pháp, “nhằm loại bỏ điều khoản ràng buộc nhiệm kỳ của tổng thống”.

Nếu tình hình cần thiết, người dân nhất trí, cần mở cơ hội cho Tổng thống đương nhiệm (V.Putin) được bầu lại vị trí này”, bà Tereshkova nhấn mạnh.

Theo bà Tereshkova, việc sửa đổi Hiến Pháp sẽ “xóa bỏ” các nhiệm kỳ tổng thống trước đây của ông Putin. Điều này cho phép nhà lãnh đạo Nga tiếp tục tái tranh cử vào năm 2024.

Theo Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matvienko, Nga là quốc gia rộng lớn, với tiềm năng hạt nhân hàng đầu, và hiện là cường quốc quan trọng trên chính trường quốc tế. Vấn đề đặt ra của nước Nga hiện nay là “ai sẽ là người kế vị” và “điều gì sẽ xảy ra với an ninh đất nước” sau năm 2024.

Có những nỗ lực làm suy yếu nước Nga và theo đuổi chính sách kìm hãm. Nhiều đối tác của chúng ta đang tự hỏi, họ sẽ làm việc thế nào với nước Nga khi không có Putin”, bà Valentina Matvienko cho biết.

Tổng thống Putin sẽ tiếp tục tái tranh cử năm 2024?

Tuy nhiên, một số học giả Nga cho rằng, ông Putin “không cần thiết” tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ tổng thống năm 2024.

Tôi cho rằng, có nhiều sự lựa chọn khác nhau cho việc chuyển giao quyền lực. Do đó, việc vô hiệu hóa khả năng tái ứng cử nhiệm kỳ tiếp theo của Tổng thống (Putin) là điều dễ hiểu và cần thiết.

Theo các nhà xã hội học, điều này (chuyển giao quyền lực) sẽ nhận được nhiều ủng hộ đáng kể của người dân Nga”, Chủ tịch công ty truyền thông Minchenko Evgenhi Minchenko nhận định.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia luật học cho rằng, dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhằm “xóa bỏ” những nhiệm kỳ tranh cử trước của ông Putin là “bất hợp lý” và “có vấn đề về Hiến định”.

Sửa đổi quy tắc “đưa về 0” đối với điều khoản nhiệm kỳ Tổng thống hiện nay khiến bản Hiến pháp (của nước Nga) trở nên vô nghĩa”, Ilya Shablinsky, Giáo sư ngành Luật Hiến pháp, thuộc Đại học Kinh tế cao cấp cho biết.

Cho đến nay, ông Putin vẫn đang bỏ ngỏ khả năng tiếp tục tái tranh cử vào vị trí lãnh đạo nước Nga sau năm 2024.

Nhà lãnh đạo Nga khẳng định, việc ông có tiếp tục làm Tổng thống sau năm 2024 cần dựa vào kết luận của Tòa án Hiến pháp Liên bang Nga và tùy thuộc vào ý kiến toàn dân trong cuộc bỏ phiếu diễn ra ngày 22/4.

Kết quả người dân bỏ phiếu hôm 22/4 thế nào, thì sẽ theo như vậy”, ông Putin nói.

Video: Những hình ảnh về 20 năm cầm quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin 

Tranh cãi

Theo Giám đốc của Quỹ Nghiên cứu Dân chủ Maxim Grigoryev, những kết quả thống kê của các nhà xã hội học Nga cho thấy, hiện có hơn 50% người dân nước này ủng hộ Tổng thống Putin tái cử và tiếp tục nắm quyền điều hành đất nước.

Vấn đề được thảo luận tại Duma Quốc gia là khá chuẩn xác. Tiếp sau đây, người dân Nga sẽ tự đưa ra quyết định thông qua bỏ phiếu, theo đúng tinh thần của Hiến pháp", ông Maxim Grigoryev nói.

Ông Putin và Thủ tướng Mikhail Mishustin.

Trong khi đó, chuyên gia chính trị nổi tiếng Nikolai Petrov nhận định, không ai trong số các nhà lãnh đạo Nga hiện nay có đủ tầm ảnh hưởng, gây ảnh hưởng tới quyền lực của ông Putin. Do đó, việc sửa đổi Hiến pháp là nhằm củng cố quyền lực của Tổng thống.

Ông Putin sẽ quyết định trao một phần quyền lực cho thuộc cấp. Song tất cả đều nằm dưới tầm kiểm soát của ông ấy”, chuyên gia cho hay.

Củng cố quyền lực

Theo đánh giá của chính trị gia, nghị sỹ Duma Quốc gia Nga Yevgeny Fedorov, lí do ông Putin lại muốn sửa đổi Hiến pháp Nga lúc này là vì muốn thực hiện “cuộc cách mạng” nhằm thay đổi hệ thống lãnh đạo, điều hành đất nước.

Một trong những biểu hiện mới đây là việc bổ nhiệm ông Mikhail Mishustin vào vị trí Thủ tướng, thay Dmitry Medvedev.

Ông Mishutin trước đó là lãnh đạo Cơ quan Thuế Liên bang Nga, ít được công chúng biết đến. Ông Mishustin là một nhà kỹ trị, có khả năng chuyên môn và ít có những toan tính chính trị. Đó là điều mà Putin cần lúc này.

Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin.

Chuyên gia Yevgeny Fedorov chỉ ra 4 nguyên nhân chính tác động tới chương trình cải tổ của đương kim Tổng thống Nga, bắt đầu với việc sửa đổi Hiến pháp.

Thứ nhất, hiện nay nước Nga đã khôi phục sự toàn vẹn quốc gia. Các vấn đề lãnh thổ ở Chechnya và các khu vực khác đã được giải quyết. Nội bộ nước Nga dần thống nhất. Đây là tiền đề để Nga thực hiện “cuộc cách mạng” thay đổi toàn diện đất nước theo hướng hiện đại trong tình hình mới.

Thứ hai, ông Putin và giới lãnh đạo Nga muốn chấm dứt “tình trạng dai dẳng”, khi nhiều cơ quan quyền lực nhà nước bị đầu sỏ chính trị điều khiển, tiếm quyền. Một trong những đầu sỏ nằm trong danh sách này, theo ông Yevgeny Fedorov, là Roman Abramovich, Oleg Deripaska, Viktor Vekselberg.

Người dân nghèo đi, trong khi những tỷ phú này ngày càng giàu thêm. Họ kiếm hàng tỷ USD mỗi năm, nhưng chỉ đóng một phần nhỏ cho quốc gia. Putin phải vật lộn để giành lại quyền kiểm soát từ các tài phiệt trên. Nhưng dường như vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để”, ông Fedorov nói.

Thứ ba, như lời ông Putin từng phát biểu: "Chúng ta tạo ra nguồn dự trữ mạnh mẽ, có khả năng bảo vệ các quyền xã hội cho công dân và bảo vệ nền kinh tế quốc gia trước những gây áp lực từ bên ngoài".

Sau lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây năm 2014, nước Nga xây dựng chính sách tự cường dân tộc, phát triển nền kinh tế đa dạng, không phụ thuộc vào bên ngoài, vào một đối tác cụ thể. Đó là chính sách thức thời, giúp nước Nga vực dậy nền kinh tế trì trệ, thành năng động và có tính thích ứng cao.

Cuối cùng, dưới thời nắm quyền của Putin, nước Nga đã trở lại chính trường quốc tế một cách mạnh mẽ. Nước Nga muốn thể hiện vị thế cường quốc, cạnh tranh sòng phẳng vai trò của Mỹ trên quy mô toàn cầu.

Hiện Nga và các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Iran đang hình thành các "liên minh" quốc tế, nhằm phản đối chính sách thế giới đơn cực của Mỹ, đồng thời xây dựng thế giới đa cực.

Theo đó, những sửa đổi Hiến pháp này có thể giúp nước Nga tập trung sức mạnh nội lực, phát triển mạnh mẽ hơn hướng tới mục tiêu trở lại vị trí siêu cường.

Phong Vũ (Nguồn: RIA, Vz.ru, Pravda.ru)

Tin mới