Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nga tập trận hải quân lớn ở Biển Đen khiến Ukraine rơi vào thế khó

(VTC News) -

Việc Nga hạn chế đi lại ở Biển Đen và Biển Azov trong thời gian tập trận hải quân vấp phải sự phản đối của Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine đã ra văn bản chính thức phản đối kế hoạch của Nga phong tỏa một phần Biển Đen và Biển Azov trong những ngày tới với lý do tổ chức các cuộc tập trận hải quân.

Theo công hàm phản đối của Ukraine, cuộc tập trận của Nga dự kiến diễn ra từ 13-19/2 tới có quy mô chưa từng thấy và cản trở “việc đi lại ở cả 2 vùng biển”. Giới chức Ukraine cho rằng động thái này là một phần “cuộc chiến tranh lai” (hybrid warfare) của Nga nhằm vào Ukraine.

Tàu đổ bộ cỡ lớn Korolev của hải quân Nga ở Eo biển Dardanelles, trên đường tới Biển Đen. (Ảnh: Reuters)

Nga dồn dập tập trận cả trên bộ và trên biển

Các cuộc tập trận của Nga ở Biển Đen trùng thời điểm với các cuộc tập trận chung ở Belarus, phía Bắc Ukraine, bắt đầu từ ngày 10/2. Ước tính khoảng 30.000 quân Nga đã được điều động đến Belarus tham gia cuộc tập trận mà NATO mô tả là đợt triển khai quân sự lớn nhất của Nga tới nước láng giềng kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Các quan chức châu Âu lo ngại lực lượng Nga có thể ở lại Belarus sau tập trận, tạo cho Moscow một tuyến tấn công tiềm năng mới nhằm vào Ukraine thông qua khu vực biên giới lỏng lẻo của nước này với Belarus và dồn lực lượng Nga đến gần các thành viên NATO dọc sườn phía Đông của liên minh. Moscow phủ nhận có kế hoạch để quân đội ở lại Belarus sau cuộc tập trận.

“Mức độ bao phủ chưa từng thấy của các cuộc tập trận [hải quân] khiến việc đi lại ở cả 2 vùng biển gần như không thể thực hiện được. Về bản chất, điều này cản trở đáng kể vận tải biển quốc tế, đặc biệt là thương mại, có thể gây ra những hậu quả phức tạp về kinh tế và xã hội, nhất là đối với các cảng của Ukraine”, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nhấn mạnh trong một tuyên bố ngày 10/2.

Việc Nga hạn chế đi lại ở Biển Đen và Biển Azov trong thời gian tập trận hải quân đã phơi bày điểm yếu của đường bờ biển phía Nam Ukraine và các cảng của nước này, cũng như việc Ukraine và NATO không có khả năng ngăn chặn Moscow ở Biển Đen.

Đây không phải lần đầu tiên Nga hạn chế hàng hải ở Biển Azov, vùng biển nằm giữa bán đảo Crimea với đất liền Ukraine và Nga. Năm 2018, Nga từng nổ súng vào 3 tàu Ukraine trên đường tới cảng Mariupol ở miền Đông, giam giữ 24 thủy thủ Ukraine trong nhiều tháng sau đó.

Số lượng và loại tàu Nga được điều đến Biển Đen để tập trận trong tuần này lớn hơn nhiều so với những gì đã thấy trong những năm gần đây, theo ông Samus.

Theo trang tin Naval News, 6 tàu đổ bộ cỡ lớn của Nga, có khả năng chở hàng chục xe tăng và tới 2.000 quân, đã tiến vào Biển Đen trong tuần này.

Ông Andrii Klymenko, Tổng biên tập Black Sea News, cho biết, lần đầu tiên sau 8 năm, Nga không để lại hành lang cho phép các tàu thương mại đi qua an toàn trên vùng biển mà nước này sẽ tập trận.

“Chúng tôi không muốn gây ra bất kỳ sự hoảng loạn nào, nhưng điều này rất giống với việc chuẩn bị cho một cuộc ‘phong tỏa hàng hải đối với các cảng biển của Ukraine”, ông Klymenko nhận định.

Thế “thống trị” của Nga ở Biển Đen và mối lo “chiến tranh kinh tế”

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andrii Zagorodniuk cho rằng khủng hoảng hàng hải là một trong những kịch bản có thi hơn mà Nga có thể theo đuổi như một phần của nỗ lực gây bất ổn Ukraine.

“Đơn giản là họ có thể ‘bóp nghẹt’ Ukraine từ biển”, ông Zagorodniuk nói.

Khoảng 70% hàng hóa xuất nhập khẩu của Ukraine đi qua các cảng biển của nước này và phần lớn trong số đó tập trung xung quanh Odessa. Bất kỳ cuộc phong tỏa nào cũng sẽ có những tác động sâu sắc đối với nền kinh tế Ukraine, từ đó có thể gây bất ổn về mặt chính trị cho Kiev, có khả năng tạo ra nhiều lỗ hổng để Moscow chiếm lợi thế.

Phong tỏa cũng là một chiến lược ít rủi ro hơn đáng kể đối với Nga so với một cuộc tấn công toàn diện vào Ukraine.

“Ukraine chưa có một lực lượng hải quân tương xứng và NATO cũng không có chiến lược phù hợp để đối phó với Nga. Đó là lý do tại sao Nga thống trị chiến lược ở Biển Đen”, ông Mykhailo Samus, Giám đốc Mạng lưới Nghiên cứu Địa chính trị mới, đánh giá.

Năng lực hải quân của Ukraine đã suy giảm đáng kể sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, nơi trước đây là cảng đóng quân của hải quân Ukraine. Các nỗ lực tái thiết diễn ra chậm chạp, chủ yếu do thiếu quyết đoán trong việc lựa chọn phương pháp tiếp cận. Năm 2018, Ukraine đã áp dụng chiến lược “hạm đội muỗi”, phát triển một đội tàu tuần tra nhỏ, linh động và các tàu tấn công cơ động nhanh chóng bên cạnh các tàu chiến lớn hơn.

Mỹ đã chuyển các tàu tuần tra đã nghỉ hưu của Lực lượng Phòng vệ bờ biển đến Ukraine để giúp tăng cường sức mạnh cho hạm đội nước này. Tháng 11/2021, Kiev ký thỏa thuận với London về gói hỗ trợ tài chính mua tàu chiến của Anh.

Dù vậy, theo ông Samus, cho tới nay, “Hải quân là nhánh có nhiều vấn đề nhất trong các lực lượng vũ trang Ukraine”.

Trong một tuyên bố trên mạng xã hội ngày 10/2, Đại sứ quán Mỹ tại Kiev gọi việc Nga đơn phương áp đặt các hạn chế hàng hải là sự tiếp nối “chiến tranh kinh tế” của Nga chống lại Ukraine.

“Với lý do các cuộc tập trận quân sự, Nga hạn chế quyền hàng hải của Ukraine, hạn chế quyền tự do hàng hải ở Biển Đen/Biển Azov và cản trở giao thông hàng hải thiết yếu cho nền kinh tế của Ukraine”, Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine tuyên bố trên Twitter.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov kêu gọi Mỹ và các nước phương Tây sẽ sớm có các biện pháp đối phó phù hợp với hành động leo thang mới nhất của Nga.

“Vùng biển quốc tế bị Nga phong tỏa. Các đối tác của chúng tôi đã thể hiện phản ứng mạnh mẽ bằng cách cung cấp vũ khí cho Ukraine. Chúng tôi cũng mong đợi một phản ứng thống nhất. Khi tàu của Nga không thể vào các cảng biển trên thế giới, họ sẽ hiểu cái giá phải trả cho hành động của mình”, ông Reznikov tuyên bố trong một bài đăng trên mạng xã hội ngày 10/2.

Hoàng Phạm (VOV.VN)

Tin mới