EU nhiệt tình viện trợ cho Ukraine và cản trợ các nỗ lực của Nga trong cuộc chiến này. Tuy nhiên, Nga đã khôn khéo dùng vũ khí khí đốt như một công cụ chính trị lợi hại để chế áp EU và lôi kéo EU về phía mình.
Thế thượng phong của Nga trong lĩnh vực khí đốt
Nga đang tận dụng sự thống trị của họ đối với thị trường dầu khí châu Âu, nơi sản phẩm dầu khí của Nga chiếm tới 40% tiêu thụ khí đốt của Liên minh châu Âu (EU), để làm giảm sự ủng hộ của EU cho Ukraine.
Một công nhân đang kiểm tra thiết bị tại trạm nén khí ở điểm xuất phát của đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2, trên lãnh thổ Nga. Ảnh: TASS.
Gia tăng áp lực đó trước mùa đông, Nga đã khóa van đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) tới Đức từ ngày 31/8 đến 3/9, với lý do bảo dưỡng, nhưng thực chất có thể nhằm tìm kiếm sự nhượng bộ từ EU trong các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Nadhim Zahawi theo kế hoạch đã gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hôm 31/8 nhằm xin Mỹ đẩy mạnh xuất khẩu năng lượng để giảm nhẹ cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.
Khi giá khí đốt tăng cao, Nga đã "chơi rắn" khi cho đốt khí đốt thay vì bán nó cho EU thông qua các đường ống dẫn khí của châu Âu. Chẳng hạn, một nhà máy khí đốt của Nga gần biên giới Phần Lan đã đốt ước tính 10 triệu USD tiền khí tự nhiên mỗi ngày kể từ ngày 27/8.
Số khí tự nhiên bị đốt này tương đương với 0,5% nhu cầu khí đốt hàng ngày của EU. Nghe thì có vẻ không nhiều nhưng trong bối cảnh thế giới nói chung và châu Âu nói riêng thiếu trầm trọng khí đốt, việc ngừng cung cấp cho EU dù chỉ lượng nhỏ như vậy sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng.
Nga trước đó đã giảm lượng khí đốt chảy qua Dòng chảy phương Bắc 1 xuống mức 20% công suất của họ vào tháng 6/2022. Còn công ty năng lượng quốc doanh Nga Gazprom thì lý giải rằng đây là do thiết bị có lỗi hoặc thiếu.
Thế thống trị của Nga đối với nguồn cung khí đốt sang EU là vũ khí kinh tế lớn nhất của quốc gia này. Người ta e ngại, Nga sẽ khóa van khí đốt hoàn toàn. Vào ngày 30/8, hãng dầu khí Gazprom của Nga nêu ra một vấn đề trong hợp đồng khi họ cắt nguồn cung khí đốt cho Pháp. Điều tương tự xảy ra với Ba Lan và Bulgaria hồi tháng 4/2022. Và mới đây, Gazprom đã tuyên bố khóa van Dòng chảy phương Bắc 1 vô thời hạn.
EU loay hoay chống đỡ
Nga cũng đã yêu cầu phải thực hiện tất cả thanh toán bằng đồng rúp và sử dụng yêu cầu này như lý do biện minh cho việc ngừng cung cấp khí đốt. Trong khi đó, các quốc gia EU và Anh đang đổ xô đi tím các nguồn năng lực thay thế dành cho mùa Đông tới, và tránh xa việc lệ thuộc vào Nga.
Các nước châu Âu tỏ ra tuyệt vọng khi cố gắng lấp đầy các kho dự trữ của mình để đối phó với mùa Đông sắp đến
Đức có vẻ đã lấp đầy dầu khí vào 80% kho dự trữ của mình nhưng không rõ liệu các nước châu Âu khác có làm được như vậy.
Nhiều nước ở châu Âu đang loay hoay tìm các giải pháp khác. Bulgaria cho biết, họ sẽ tái đàm phán một thỏa thuận khí đốt với Nga, còn Hungary đã khởi động đàm phán với Nga.
Bà Liz Truss, ứng viên cho vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ Anh, cho biết nếu bà trở thành Thủ tướng Anh, nước này sẽ khoan thêm dầu ở Biển Bắc.
Nếu mùa Đông sắp tới thực sự lạnh giá, có lẽ sự chia rẽ cũ trong EU sẽ quay trở lại. Khi ấy, sự tranh giành giữa các nước EU về nguồn cung năng lượng có thể sẽ làm rạn nứt EU và các liên minh.
Nền kinh tế Nga từ lâu dựa trên khai thác và xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên. Theo Ngân hàng Thế giới năm 2020, tài nguyên thiên nhiên chiếm tới 46% GDP (tổng sản phẩm nội địa) của Nga. Dầu và khí chiếm gần một nửa con số trên, còn kim loại, hóa chất và sản phẩm lương thực chiếm phần còn lại. Theo các số liệu do Statista cung cấp, dầu khí chiếm 21,7% GDP của Nga trong 3 tháng đầu tiên của năm 2022 - mức cao nhất của dầu khí so với GDP Nga tính từ năm 2017.
Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga dù có tác dụng thì cũng sẽ phải mất nhiều thời gian so với hy vọng của một số người. Ý niệm nền kinh tế Nga sẽ sụp đổ trong vài tuần là điều phi thực tế.
Hệ thống đường ống khí đốt của Nga dẫn sang châu Âu. Ảnh: Alamy.
Nga đã thử biện pháp mềm
Sau cuộc Cách mạng Cam ở Ukraine vào năm 2014, chính quyền thân Nga sụp đổ. Nga khi ấy đã lựa chọn các kỹ thuật khác để gây sức ép lên các quốc gia như Ukraine để lôi kéo họ theo đường lối của mình.
Thông qua quảng bá văn hóa, các lý tưởng và giá trị (gọi nôm na là sức mạnh mềm), một quốc gia có thể thuyết phục các nước khác đi theo đường lối của mình. Nga cố gắng thực hiện các chiến thuật sức mạnh mềm này ở khu vực hậu Xô viết với các mức độ thành công khác nhau.
Nhưng cuối cùng, để các nước khác nhìn nhận Nga như một cường quốc, giải pháp quảng bá văn hóa là không đủ. Nga đã phải sử dụng đến cả sức mạnh cứng.
Chiến thuật cứng rắn của Nga
Cuối cùng, Nga đã dựa vào hoặc sức mạnh quân sự như ở Gruzia năm 2008 hoặc áp lực kinh tế. Vào các thời điểm khác nhau, Nga sử dụng vũ khí kinh tế như cấm rượu vang Moldova hoặc nước khoáng Borjomi nhập từ Gruzia, cả hai lần đều vào năm 2013 nhằm lôi kéo những nước này đi theo đường lối thân Nga.
Tuy nhiên, chính khí đốt mới luôn là vũ khí kinh tế chính của Nga để ứng phó với EU và các nước láng giềng của Nga. Các cuộc chiến khí đốt năm 2006 và 2009 là các ví dụ tiêu biểu.
Hồi năm 2006, do Ukraine không thanh toán hóa đơn khí đốt, Nga giảm áp lực các ống khí đốt dẫn sang Ukraine và giảm lượng cung. Điều này tác động bất lợi đến các nền kinh tế của EU khi đó và cho thấy sự mong manh của việc dựa dẫm vào Nga. Năm 2009, kịch bản này tái diễn.
Nga đã sử dụng một cách có hệ thống khí đốt làm vũ khí khi làm giảm lượng khí tự nhiên vận chuyển sang châu Âu, từ đó ép buộc các chính trị gia châu Âu phải xử sự "hợp lý" hơn với họ. Các trợ ngại về hậu cần đã khiến EU khó thoát khỏi sự lệ thuộc vào Nga về dầu khí. Còn Nga tiếp tục có xu hướng gây ảnh hưởng theo cách này.
Chính phủ Nga tin rằng họ có thể giảm sự ủng hộ của phương Tây cho Ukraine bằng cách giới hạn lượng cung khí đốt và tạo ra tình trạng suy thoái trong nền kinh tế EU.
Điện Kremlin đang hy vọng mùa đông lạnh giá sắp tới và hóa đơn năng lượng tăng cao sẽ khiến các cử tri châu Âu ngừng ủng hộ Ukraine khi bản thân họ ngày càng phải quan tâm đến các vấn đề trong nước, các vấn đề cơm áo gạo tiền thiết thân. Trên thực tế, trong EU đã xuất hiện các tiếng nói thân Nga, thuyết phục cử tri EU rằng chiến sự ở Ukraine không đáng để họ ủng hộ.