Thỏa thuận thành lập liên minh AUKUS giữa Anh-Australia-Mỹ đã vấp phải nhiều phản ứng trái chiều. Trong khi Trung Quốc và Pháp ngay lập tức lên tiếng phản đối, thì những nước khác như Nhật Bản và Philippines lại bày tỏ sự ủng hộ.
Tàu ngầm hạt nhân Kazan thuộc lớp Yasen-M ra biển thử nghiệm cuối năm 2019. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)
Nga – một trong số ít quốc gia trang bị tàu ngầm hạt nhân, tỏ ra thận trọng hơn trong phản ứng ban đầu. Điện Kremlin giới hạn các bình luận của mình trong một tuyên bố được đưa ra một cách cẩn thận với nội dung: “Trước khi thành lập một liên minh, chúng ta cần phải hiểu rõ mục tiêu và phương tiện. Đây là những câu hỏi cần được trả lời trước tiên. Có rất ít thông tin cho đến thời điểm hiện tại”.
Một số nhà ngoại giao Nga và những người đồng cấp Trung Quốc bày tỏ lo ngại rằng, việc Australia xây dựng hạm đội tàu ngầm hạt nhân với sự hỗ trợ của Mỹ và Anh, sẽ làm tổn hại Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân và thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Họ cho rằng việc đóng tàu ngầm hạt nhân cần phải có sự giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) – một đề xuất Canberra khó chấp thuận.
Cơ hội tiếp thị tàu ngầm hạt nhân
Khi được biết nhiều thông tin hơn về việc thành lập liên minh AUKUS, luận điệu của các quan chức Nga bắt đầu thay đổi. Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev đã gọi liên minh 3 bên Anh-Australi-Mỹ là “phiên bản NATO châu Á”. Ông cho rằng Washington sẽ cố gắng lôi kéo các nước khác tham gia liên minh, chủ yếu để theo đuổi các chính sách chống Trung Quốc và Nga.
Ông Nikolai Patrushev. (Ảnh: Sputnik)
Sự thay đổi giọng điệu này không khiến Canberra ngạc nhiên, bởi từ lâu Nga đã coi bất cứ sự thay đổi nào đối với an ninh khu vực, chẳng hạn như việc thành lập các liên minh hoặc triển khai các hệ thống vũ khí mới là một nguy cơ cần phải đối phó.
Vậy, những biện pháp khả thi nào Nga sẽ lựa chọn như một phần phản ứng của nước này? Theo các nhà quân tích, Nga có thể nhìn nhận AUKUS như một nguy cơ về chính trị và quân sự, song chưa phải là mối đe dọa, nên các phản ứng trước mắt của nước này sẽ giới hạn ở việc thực hiện động thái chính trị và nắm bắt cơ hội.
Đáng chú ý nhất, Nga có thể coi thỏa thuận đóng tàu ngầm hạt nhân trong khuôn khổ liên minh AUKUS là một tiền lệ để nước này quảng bá công nghệ đóng tàu ngầm hạt nhân của mình cho các bên quan tâm trong khu vực. Đây không chỉ là giải thuyết mà nó đã được các chuyên gia có liên hệ chặt chẽ với Bộ Quốc phòng Nga đề xuất.
Từ trước đến nay, Nga luôn từ chối chia sẻ công nghệ đóng tàu ngầm hạt nhân – vốn được coi là một trong những công nghệ tốt nhất trên thế giới, vượt qua cả năng lực đóng tàu ngầm hạt nhân non trẻ của Trung Quốc.
Cho đến thời điểm hiện tại, Nga mới chỉ ký kết thỏa thuận cho thuê tàu ngầm với Ấn Độ, cho phép Hải quân Ấn Độ vận hành các tàu ngầm tấn công hạt nhân do Liên Xô và Nga sản xuất kể từ năm 1987. Nhưng điều đó không đi kèm với việc chuyển giao công nghệ đóng tàu.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, nếu Nga quyết định tiếp thị tàu ngầm hạt nhân trên thị trường vũ khí thì nước này chắc chắn sẽ không thiếu khách hàng. Một chuyên gia quân sự nói rằng, Algeria có thể là thị trường tiềm năng, ngoài ra còn rất nhiều thị trường khác.
Tàu ngầm hải quân Ấn Độ. (Ảnh: Tân Hoa xã)
Mở rộng lực lượng tàu ngầm ở Thái Bình Dương
Về lâu dài, Moskva sẽ không bỏ qua một thực tế: thỏa thuận AUKUS mới đang liên kết hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân (Anh, Mỹ) và một Australia sắp có khả năng hạt nhân.
Năng lực và tầm hoạt động mở rộng của các tàu ngầm tương lai của Australia có thể giúp chúng hiện diện tại khu vực phía Tây và Tây Bắc Thái Bình Dương – nơi mà lực lượng hải quân Nga hoạt động thường xuyên.
Nếu hệ thống tấn công trên các tàu ngầm này có thể vươn xa tới vùng Viễn Đông hoặc Siberia của Nga, thì đây sẽ là một sự thay đổi cuộc chơi đối với Moskva. Là một cường quốc hạt nhân, Nga sẽ phải xem xét yếu tố này khi lập kế hoạch chiến lược của mình.
Trong vòng 12 tháng tới, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga dự kiến sẽ tiếp nhận ít nhất ba tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Hai chiếc trong số này là tàu ngầm thế hệ thứ tư lớp Yasen-M, có công nghệ vượt trội so với các tàu ngầm tương tự mà Trung Quốc đang đóng và được cho là gần tương đương với những tàu ngầm hạt nhân mới của Mỹ mà Australia đang xem xét lựa chọn. Chiếc thứ 3 là tàu ngầm Belgorod lớp Oscar II, trọng tải 30.000 tấn, được nâng cấp để mang theo những siêu ngư lôi hạt nhân có khả năng phá hủy các căn cứ hải quân lớn.
Đến năm 2018, Hải quân Nga dự kiến sẽ có một lực lượng gồm ít nhất 14 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và 6 tàu ngầm tấn công thông thường ở Thái Bình Dương. Địa bàn hoạt động có chúng có thể được mở rộng ra Biển Đông và xa hơn thế.
Tăng cường hợp tác với Hải quân Trung Quốc
Kịch bản kịch tính nhất là Nga và Trung Quốc có thể thành lập một liên minh hàng hải để chống lại sức mạnh quân sự tổng hợp của AUKUS. Tuy vậy, xét đến sự khác biệt về mục tiêu, mối tương quan về quân sự và quan hệ quốc phòng giữa hai bên, đặc biệt là trong lĩnh vực hải quân, điều này có vẻ không thực tế.
Nhưng nếu Nga và Trung Quốc phối hợp trong các hoạt động hải quân thì đây sẽ là một tin xấu đối với AUKUS. Trong trường hợp căng thẳng leo thang, Moskva và Bắc Kinh có thể coi Australia là mắt xích yếu nhất của liên minh 3 bên. Trước đó, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cảnh báo Australia có thể là “mục tiêu tiềm năng của một cuộc tấn công hạt nhân”.
Đây có thể là một viễn cảnh xa vời, nhưng khi bước vào cuộc đua tàu ngầm hạt nhân ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Australia sẽ trở thành một phần của câu lạc bộ hạt nhân và phải đối mặt với nhiềuđối thủ lớn. Những người hoài nghi cho rằng, Moskva có thể chỉ dừng lại ở lời nói mà sẽ không hành động và những rủi ro mà Nga gây ra đối với Australia là rất ít. Nhưng câu chuyện vẫn còn ở phía trước.