Kể từ khi bắt đầu phân bổ hạn ngạch nhập khẩu cho các nhà máy lọc dầu tư nhân vào năm 2015, Trung Quốc luôn đứng đầu trong danh sách những nước nhập khẩu dầu nhiều nhất thế giới.
Quốc gia tỷ dân chiếm tới 44% tăng trưởng nhập khẩu dầu toàn cầu và trở thành nhân tố chính ảnh hưởng tới biến động giá dầu.
Dù nhập khẩu dầu thô giảm 5,4% vào năm 2021 - lần đầu tiên sau 2 thập kỷ, tổng lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2021 vẫn đạt 512,98 triệu tấn, tương đương 10,3 triệu thùng/ngày.
Trung Quốc nhập dầu từ những nước nào?
Ả Rập Xê-út hiện là cung cấp dầu lớn nhất cho Trung Quốc.
Năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 87,58 triệu tấn dầu thô từ quốc gia Trung Đông này, tương đương 1,75 triệu thùng / ngày. Nga xếp ngay sau với 79,65 triệu tấn. Các lô hàng từ Iraq đứng thứ ba, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2020 xuống còn 54,13 triệu tấn. Oman, Angola, UAE lần lượt chia nhau các vị trí thứ 4,5,6 với 44,79; 39,16 và 33,82 triệu tấn. Brazil rơi xuống vị trí thứ 7 từ vị trí thứ 4 một năm trước đó với nguồn cung giảm 28% xuống còn 30,28 triệu tấn.
Cơ cấu nhập khẩu dầu của Trung Quốc năm 2021. (Ảnh: Reuters)
Gần một nửa (47,1%) lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc có nguồn gốc từ 9 quốc gia Trung Đông.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đang tìm cách đa dạng hóa nguồn nhập dầu, tránh lệ thuộc vào Trung Đông nhằm hạn chế nguy cơ gián đoạn nguồn cung, rủi ro chính trị. Nga cùng với các nước Trung Á đang là các lựa chọn hàng đầu. Tuy nhiên, chiến dịch quân sự của Nga nhằm vào Ukraine khiến tham vọng này bị ảnh hưởng phần nào.
“Chính phủ Trung Quốc đã dành rất nhiều nhân lực và vật lực để xây dựng các hành lang năng lượng chiến lược trên bờ với Nga và Trung Á. Tuy nhiên, đánh giá từ các sự kiện gần đây ở Nga, Kazakhstan và các quốc gia khác cho thấy việc xây dựng các quốc gia này trở thành xương sống năng lượng thực sự không phải lúc nào cũng dễ dàng", Wang Binhai, nhà kinh tế cấp cao tại Sinochem Energy phân tích.
Tuy nhiên, theo Eric Reguly - nhà phân tích của The Globe and Mail, sau khi bị Mỹ cấm vận dầu mỏ, Nga đang tìm cách chuyển hướng cho dòng năng lượng của nước này và Trung Quốc là đích đến lý tưởng.
Năm 2021, khoảng 16% dầu nhập khẩu của Trung Quốc là từ Nga. Trung Quốc nhập khẩu 1,6 triệu thùng dầu thô mỗi ngày của Nga.
"Nếu Nga không thể bán dầu và khí đốt tự nhiên cho Mỹ, họ sẽ quay về phía đông và bán cho Trung Quốc. Quá trình chuyển đổi thị trường này đang được tiến hành", ông Reguly cho hay.
Theo ông Reguly, Trung Quốc sẵn sàng mua các lô dầu Nga không thể bán cho phương Tây vì lệnh trừng phạt trong bối cảnh dầu thô Nga đang được giao dịch với mức chiết khấu cao chưa từng thấy.
Theo hãng tư vấn Energy Aspects, khoảng 70% lượng dầu xuất khẩu của Nga hiện rơi vào tình cảnh khó tìm kiếm nguồn khách hàng. 30% còn lại được chuyển tới châu Âu và vùng Viễn Đông Nga. S&P Global cho biết dầu Urals của Nga hiện được bán với giá rẻ hơn khoảng 30 USD so với dầu Brent.
Trên thực tế, phần lớn các khách hàng tìm cách né dầu Nga sau khi Moskva phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine do lo ngại tổn hại danh tiếng và bị trừng phạt. Nhưng có vẻ các khách hàng Trung Quốc không nằm trong nhóm này.
Trung Quốc là khách hàng mua dầu thô lâu năm của Nga. Bắc Kinh cũng đồng thời là đối tác chiến lược của Moskva. Bản thân các nhà nhập khẩu dầu của Trung Quốc không còn quá xa lạ khi phải làm việc với các đối tác bị áp lệnh trừng phạt như Iran và Venezuela.
Năm 2021, Trung Quốc đẩy mạnh việc săn giá dầu rẻ từ Iran và Venezuela, khai thác tối đa từ các quốc gia bị Mỹ trừng phạt trong nhiều năm qua.
Các chuyên gia tin rằng Trung Quốc có thể tận dụng cơ hội hiện tại để làm đầy kho dự trữ với giá rẻ.
Dầu của Nga được bán với mức chiết khấu cao sau khi chịu trừng phạt từ phương Tây. (Ảnh: Bloomberg)
“Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục mua dầu thô của Nga cho nhu cầu hoạt động và dự trữ. Dữ liệu từ Ursa Space Systems cho thấy tồn kho dầu thô trên toàn Trung Quốc đã chạm mức thấp nhất trong hai năm vào tháng 1", Michal Meidan - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Năng lượng Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford cho biết.
Các nhà phân tích và quan chức công ty dầu mỏ dự kiến nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc có thể tăng khoảng 6-7% trong năm 2022, tương đương 600.000-700.000 thùng mỗi ngày. Tuy nhiên, đà phục hồi này sẽ diễn ra vào nửa cuối năm 2022 trong bối cảnh Trung Quốc vẫn đang đối mặt với sự bùng phát dịch COVID-19 và các nhà máy lọc dầu nhỏ hơn hạn chế sản xuất.
Nga có thể soán ngôi Ả Rập Xê út?
Nguồn tin của Bloomberg tiết lộ các hãng lọc dầu của Trung Quốc gần đây đang âm thầm mua dầu của Nga với giá rẻ.
Tuy nhiên, thay vì tham gia các phiên đấu thầu để mua cả dầu Ural của Nga, các hãng lọc dầu quốc doanh của Trung Quốc đàm phán riêng với bên bán. Ngay cả những công ty tư nhân cũng tranh thủ thời điểm này để âm thầm mua vào.
Các nhà máy lọc dầu tư nhân của Trung Quốc - chiếm 1/4 sản lượng toàn quốc - mua dầu thô ESPO từ cảng Kozmino ở phía Đông nước Nga. ESPO được ưa chuộng vì nó có thể được vận chuyển đến các cảng nhỏ hơn từ khoảng cách ngắn hơn và giúp tiết kiệm chi phí.
Nguồn tin của Bloomberg cho biết thêm, các công ty Trung Quốc đang xem xét mua thêm dầu Ural của Nga.
Việc Trung Quốc đẩy mạnh mua dầu Nga để tăng cường cho kho dự trữ dẫn tới hoài nghi về việc liệu cán cân nhập khẩu dầu của nước này có thay đổi và Moskva có thể thay thế Riyadh trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất của Bắc Kinh hay không.
Các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đang lặng lẽ mua dầu thô giá rẻ của Nga. (Ảnh: Bloomberg)
Trên thực tế hồi tháng 12/2021, Nga trở thành bên cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc. Tuy nhiên, Ả Rập Xê-út đã giành lại vị trí này trong tháng 1 và tháng 2.
Nhưng các chuyên gia tin rằng với mức chiết khấu khủng như hiện nay, Moskva hoàn toàn có thể soán ngôi Riyadh, trở thành nhà cung cấp dầu thô hàng đầu cho nhà nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới.
Hiện tại, có những quan ngại về việc giao dịch dầu giữa Nga và Trung Quốc bị ảnh hưởng sau khi một số ngân hàng quốc doanh lớn của Bắc Kinh tạm dừng phát hành tín dụng thư bằng USD cho các giao dịch mua hàng hóa của Nga.
Tuy nhiên, một số nhà sản xuất dầu của Nga được cho là đang bán dầu thô cho Trung Quốc mà không có sự bảo lãnh của ngân hàng. Đơn cử như trường hợp của Surgutneftegaz - công ty dầu mỏ lớn thứ 4 ở Nga.
Công ty này cho biết lệnh trừng phạt của phương Tây - loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT không ảnh hưởng quá lớn tới các giao dịch dầu loại ESPO của họ từ cảng Kozmino (Viễn Đông) sang Trung Quốc.
Theo đó, dù không có bảo lãnh từ ngân hàng, phía Trung Quốc có thể sử dụng tài khoản mở, cho phép thực hiện giao dịch trên cơ sở trả chậm cùng yêu cầu thanh toán đầy đủ trong vòng 3 ngày sau khi giao hàng. Trong khi đó, các công ty dầu khí từ Nga có thể mở tài khoản tại các ngân hàng Trung Quốc để thực hiện giao dịch. Khi đó, phương Tây sẽ không thể kiểm soát được các giao dịch này.
Không rõ Trung Quốc sẽ nhập khẩu bao nhiêu dầu thô của Nga thời gian tới nhưng chắc chắn Bắc Kinh sẽ tận dụng tối đa các thùng dầu giảm giá bị phương Tây "hắt hủi" của Nga.