Theo đó, quan chức an ninh cấp cao của Ukraine cho The New York Times biết, từ hôm 5/1, 18 người trong Đại sứ quán Nga ở Kiev, chủ yếu là thân nhân của các nhà ngoại giao, đã lên đường trở về Moskva. Khoảng 30 người trong sứ quán Nga ở Kiev và trong lãnh sự quán Nga ở Lviv, miền tây Ukraine, cũng di chuyển về Moskva vài ngày sau đó.
Quan chức an ninh Ukraine cũng cho biết, nhân viên ngoại giao tại 2 lãnh sự quán khác của Nga đã nhận được thông báo chuẩn bị rời Ukraine.
Đại sứ quán Nga tại Kiev, Ukraine. (Ảnh: TASS)
Trong khi đó, giới chức Mỹ cho biết đã nhận được tin Nga rục rịch rút người khỏi sứ quán ở Ukraine. “Chúng tôi có thông tin cho thấy chính phủ Nga đang chuẩn bị sơ tán các thành viên gia đình của họ khỏi Đại sứ quán Nga ở Ukraine vào cuối tháng 12 và đầu tháng 1”, The New York Times dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết.
The New York Times nhận định, quyết định rút dần nhân viên ngoại giao tại Ukraine của Nga có thể là dấu hệu cho thấy Tổng thống Vladimir Putin có thể sẽ có các hành động tiếp theo.
Theo các quan chức Ukraine và Mỹ, động thái rút người khỏi Đại sứ quán Nga tại Ukraine có thể là cách thức tuyên truyền, chuẩn bị cho một cuộc xung đột đang bùng phát hoặc nghi binh, thậm chí là cả 3 kịch bản trên.
Đến nay, Đại sứ quán Nga tại Ukraine chưa đưa ra phản hồi về thông tin này.
Cuối năm 2021, Ukraine và Mỹ đã cáo buộc Nga đang tập trung quân lính gần biên giới Ukraine, đồng thời tuyên bố rằng đây là bằng chứng cho thấy Moskva đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công nhằm vào Kiev. Tuy nhiên, Moskva nhiều lần bác các gia thuyết này.
Hội đàm giữa Nga với NATO, Mỹ về những đề xuất đảm bảo an ninh của Moskva kết thúc chóng vánh, không có kết quả thực chất. Nga đưa ra một loạt yêu cầu, trong đó NATO đam bảo không mở rộng thêm về phía đông và không kết nạp thêm quốc gia hậu Xô Viết, trong đó có Ukraine, vào liên minh quân sự này.