Hôm 6/4, Nga cho biết Matxcơva phản đối các lệnh trừng phạt nhằm vào quân đội Myanmar, cảnh báo các biện pháp trừng phạt có thể châm ngòi cho một cuộc nội chiến quy mô lớn ở nước này.
“Lời lẽ đe dọa và sức ép từ việc sử dụng các biện pháp trừng phạt chống lại chính quyền quân sự Myanmar hiện tại là không có hiệu quả và cực kỳ nguy hiểm. Các chính sách như vậy sẽ đẩy người Myanmar tới một cuộc xung đột dân sự toàn diện", hãng thông tấn Interfax dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho hay.
Tình hình bất ổn tại Myanmar khiến cộng đồng quốc tế quan ngại sâu sắc. (Ảnh: Reuters)
Myanmar đã rơi vào tình trạng bất ổn kể từ khi sau đảo chính hôm 1/2, với việc Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cũng loạt lãnh đạo chính quyền dân sự bị bắt giữ. Từ đó, các cuộc biểu tình lan rộng, diễn ra liên tục tại Myanmar.
Các cường quốc trên thế giới đã tìm cách gây áp lực lên chính quyền quân sự Myanmar bằng cách đánh vào các lợi ích từ các hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, đến nay, các biện pháp trừng phạt hay kêu gọi kiềm chế đều không mang lại hiệu quả, người chết và người bị bắt giữ tiếp tục gia tăng.
Tuần trước, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình xấu đi nhanh chóng tại Myanmar và lên án mạnh mẽ việc sử dụng bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa và cái chết của hàng trăm thường dân ở quốc gia này.
Theo Hiệp hội tù nhân chính trị (AAPP), đến nay, khoảng 570 người đã bị thiệt mạng và gần 3.500 người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình tại quốc gia Đông Nam Á này từ sau đảo chính quân sự.
Trước tình hình bất ổn tiếp diễn ở Myanmar, Brunei - Chủ tịch ASEAN năm 2021, kêu gọi một cuộc họp của các nhà lãnh đạo khối để thảo luận về tình hình ở Myanmar - quốc gia thành viên ASEAN.