"Phản ứng với quyết định của GasTerra, Gazprom thông báo sẽ ngừng cung cấp khí đốt từ ngày 31/5”, GasTerra cho biết trong thông báo đăng tải hôm 30/5.
GasTerra cho biết đã ký hợp đồng ở nơi khác với 2 tỷ mét khối khí đốt mà họ dự kiến nhận từ Gazprom đến hết tháng 10.
"Chúng tôi hiểu quyết định của GasTerra về việc không đồng ý với các điều kiện thanh toán do Gazprom đơn phương áp đặt. Quyết định này sẽ không ảnh hưởng tới việc cung cấp khí đốt thực tế cho các hộ gia đình ở Hà Lan", Bộ trưởng Năng lượng Hà Lan Rob Jetten viết trên Twitter.
(Ảnh minh họa: Reuters)
Tuyên bố từ phía hãng năng lượng Hà Lan khẳng định họ không có ý định thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp, cho rằng động thái này vi phạm các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2, Moskva yêu cầu khách hàng từ "các nước không thân thiện", bao gồm các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) thanh toán khí đốt bằng đồng rúp. Động thái nằm nhằm đáp trả các lệnh cấm vận mà phương Tây áp đặt lên quốc gia này liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong tuyên bố đưa ra mới đây, Gazprom cho biết việc ngừng cung cấp khí đốt cho GasTerra sẽ tiếp tục cho đến khi các khoản thanh toán được giải quyết theo đúng kế hoạch do Nga đề xuất.
“Tính đến cuối ngày làm việc 30/5 (thời hạn thanh toán theo quy định của hợp đồng), Gazprom Export vẫn chưa nhận được khoản thanh toán từ GasTerra cho đợt cung cấp khí đốt vào tháng 4. Về vấn đề này, Gazprom Export đã thông báo cho GasTerra về việc ngừng cung cấp khí đốt từ ngày 31/5 cho đến khi việc thanh toán được thực hiện theo quy trình đã nêu”, công ty năng lượng của Nga cho hay.
Về phần mình, GasTerra khẳng định công ty này đã nhiều lần yêu cầu Gazprom tuân thủ các phương thức thanh toán theo hợp đồng và nghĩa vụ giao hàng.
Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Kinh tế Hà Lan Pieter ten Bruggencate cho biết nước này vẫn chưa có kế hoạch sử dụng khí đốt khẩn cấp.
"Đây vẫn chưa được coi là mối đe dọa đối với nguồn cung", ông này nói.
Gazprom gần đây đình chỉ xuất khẩu khí đốt sang Bulgaria, Ba Lan và Phần Lan sau khi các nước này từ chối thanh toán bằng đồng rúp. Đan Mạch cũng phải đối mặt với việc cắt giảm nguồn cung sau khi từ chối nhu cầu thanh toán bằng đồng tiền của Nga.