Sputnik dẫn tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại phiên toàn thể Diễn đàn kinh tế phương Đông 2023 cho biết, việc thanh toán bằng USD bị hạn chế đã thúc đẩy nhiều quốc gia đặt ra mục tiêu thanh toán bằng chính đồng nội tệ của mình và tìm các phương án dự trữ ngoại tế khác thay vì lựa chọn Mỹ và châu Âu.
Ông Putin cũng cho rằng niềm tin vào chính sách tài chính của Mỹ và châu Âu đang dần suy yếu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: TASS)
Nói về việc phương Tây phong tỏa gần 300 tỷ USD tài sản của Nga ở nước ngoài, Tổng thống Putin cho biết Nga kiếm được gấp đôi số đó kể từ khi phương Tây bắt đầu áp đặt các lệnh trừng phạt.
Bên cạnh đó ông Putin cũng cho rằng Moskva cần phải cho các doanh nghiệp nước ngoài thấy đầu tư ở Nga đáng tin cậy hơn so với phương Tây.
"Hiện tại chuỗi cung ứng quốc tế đã gần như đã được khôi phục, mọi hoạt động đã quay trở lại bình thường. Chúng tôi nhận thấy rằng điều này cũng liên quan đến tỷ giá hối đoái của đồng nội tệ của các nước so với đồng USD", ông Putin nói thêm.
Tổng thống Nga cũng nhấn mạnh rằng, nhà nước và doanh nghiệp phải là đối tác bình đẳng.
Ông Putin cho rằng việc phương Tây tịch thu tài sản hợp pháp của Nga ở nước ngoài là điều không thể tránh khỏi.
Cũng theo nhà lãnh đạo Nga một số nước phương Tây đang phá hủy quan hệ kinh tế toàn cầu mà họ từng góp phần xây dựng. Ông cũng cho rằng không phải quốc gia nào cũng ủng hộ hành động này.
Theo ông Putin, hệ thống kinh tế quốc tế đang thay đổi một phần vì một số quốc gia phương Tây đang làm xáo trộn hệ thống quan hệ tài chính, thương mại và kinh tế họ đang tham gia.
Diễn đàn kinh tế phương Đông 2023 đang bắt đầu diễn ra tại thành phố Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông của Nga, từ ngày 10/9-13/9.
Với chủ đề "Con đường dẫn tới hợp tác, hòa bình và thịnh vượng", Diễn đàn kinh tế phương Đông năm nay được xây dựng bởi chương nghị sự quốc tế, bao gồm gặp gỡ kinh doanh đối thoại với đại diện các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Mông Cổ, các nước ASEAN, Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) và Khối những nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS).