Nga ủng hộ nỗ lực của Ấn Độ trở thành một trong những thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) - cơ quan quyền lực toàn cầu, chịu trách nhiệm đưa ra các quyết định quan trọng về duy trì hòa bình và an ninh trên thế giới. Hiện tại, cơ quan này gồm Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc và Anh.
Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA), Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov kêu gọi mở rộng Hội đồng Bảo an với sự tham gia nhiều hơn các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh, đặc biệt đề cập đến vai trò ngày càng gia tăng của Ấn Độ và Brazil.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. (Ảnh: AP)
"Chúng tôi nhận thấy cơ hội để Hội đồng Bảo an trở nên dân chủ hơn bằng cách có đại diện từ các nước châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh. Đặc biệt, Ấn Độ và Brazil là những nước lớn và nên được đề cử vào làm thành viên thường trực của Hội đồng", ông Lavrov nói.
Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng kêu gọi cải cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, mở rộng thêm các thành viên thường trực mới để tăng tính đại diện.
Trong một tuyên bố chung, Ấn Độ và 31 quốc gia khác đã thúc giục Liên hợp quốc mở rộng cả thành viên thường trực và không thường trực của Hội đồng Bảo an.
Bên cạnh đó, New Delhi cho rằng cần phải cải tổ Liên hợp quốc để tổ chức này hoạt động hiệu quả và mang tính đại diện hơn.
Bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ, Nhật Bản, Đức và Brazil tổ chức cuộc họp riêng để thảo luận về việc cải tổ Hội đồng Bảo an. Tuyên bố chung của các quốc gia này cho biết: "Xung đột và các thách thức toàn cầu đặt ra yêu cầu cấp bách phải thực hiện các cải cách trong Hội đồng Bảo an cũng như mở rộng thành viên của các nhóm ra quyết định để họ đại diện nhiều hơn cho lợi ích của các quốc gia đang phát triển".
Hiện tại, Ấn Độ là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an. Nhiệm kỳ 2 năm của New Delhi trong Hội đồng Bảo an sẽ kết thúc vào ngày 31/12 năm nay.