Hôm nay (1/7), người dân Nga bước vào ngày bỏ phiếu chính trong cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc nhằm sửa đổi Hiến pháp. Theo sắc lệnh của Tổng thống Putin, trong ngày này người dân Nga được nghỉ làm và hưởng nguyên lương, trường hợp phải đi làm sẽ nhận được mức lương gấp đôi.
Các điểm bỏ phiếu tại Nga bắt đầu mở cửa từ từ 8h và kết thúc vào 20h cùng ngày (giờ địa phương), bắt đầu từ vùng Viễn Đông ở châu Á và kết thúc ở phần lãnh thổ châu Âu (khoảng nửa đêm giờ Việt Nam). Riêng tại thủ đô Matxcơva có gần 3.500 điểm bỏ phiếu. Trước đó tại nhiều khu vực của Nga từ 25/6 đã bắt đầu vòng bỏ phiếu trưng cầu dân ý.
Một điểm bỏ phiếu sửa đổi Hiến pháp ở Vladivostok. (Ảnh: Reuters)
Theo truyền thông Nga, công tác kiểm phiếu sẽ được tiến hành ngay sau 20h ngày 1/7. Kết quả trưng cầu dân ý sẽ được công bố sớm nhất là vào ngày mai (2/7). Theo đó, nếu có hơn 50% cử tri bỏ phiếu đồng ý, Hiến pháp mới của Nga sẽ có hiệu lực ngay từ lúc công bố kết quả.
Cùng với việc triển khai nhiều điểm bỏ phiếu ở trong nước, Nga còn bố trí 250 điểm bỏ phiếu ở 144 nước trên thế giới để các công dân Nga ở nước ngoài có cơ hội bày tỏ quan điểm của mình đối với Hiến pháp của đất nước.
Tại Việt Nam, 3 địa điểm bỏ phiếu tại ở Đại sứ quán Nga tại Hà Nội, Lãnh sự quán Nga tại Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh đã chính thức mở cửa sáng 1/7 để tiếp nhận những lá phiếu của các công dân Nga đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Trưng cầu dân ý về Hiến pháp ở Nga diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 còn hoành hành, do đó các biện pháp phòng dịch như mang khẩu trang, rửa tay... được áp dụng ở điểm bỏ phiếu.
Uỷ ban Bầu cử Trung ương Nga cho biết việc tổ chức bỏ phiếu đảm bảo an toàn cho người dân trước lo ngại về dịch COVID-19. Theo đó, ở tất cả các điểm bỏ phiếu đều có lối vào và lối ra riêng, hạn chế tiếp xúc giữa người tham gia bỏ phiếu. Ở những nơi khác, các gian bỏ phiếu ở trên phố hoặc bố trí trực tiếp ở trong sân của các khu nhà.
Việc bỏ phiếu cũng được tổ chức ở các bệnh viện, các doanh nghiệp và các nhà ga. Các quy tắc vệ sinh được tuân thủ đầy đủ ở các điểm bỏ phiếu, với các vạch đánh dấu để giữ khoảng cách, cung cấp cho mọi người khẩu trang và găng tay và đo nhiệt độ ở lối vào.
Đây được coi là một sự kiện chưa từng diễn ra kể từ năm 1993. Những sửa đổi Hiến pháp này sẽ cho phép Tổng thống Nga Vladimir Putin tranh cử thêm 2 nhiệm kỳ liên tiếp, sau khi nhiệm kỳ hiện tại của ông kết thúc vào năm 2024.
Các cuộc thăm dò dư luận xã hội cho thấy, 76% người Nga tán thành sửa đổi Hiến pháp. Tuy nhiên, khi nói đến việc sửa đổi Hiến pháp lần này, người dân Nga thường gắn với việc Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin được phép ra ứng cử thêm 2 nhiệm kỳ nữa.
Điều đang làm dấy lên những ý kiến trái chiều trong xã hội. Những ý kiến phản đối cho rằng ông Putin đang "dọn đường" sau khi hết nhiệm kỳ vào năm 2024.