Theo Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, giảm sản lượng là một trong các biện pháp đáp trả việc giới hạn giá nhiên liệu do Liên minh châu Âu (EU) và các thành viên G7 dặt ra. Ông nói sản lượng có thể bị cắt giảm tới 7% vào đầu năm 2023.
Phó Thủ tướng Alexander Novak nói thêm rằng để trả đũa, Nga có kế hoạch cấm cung cấp dầu và sản phẩm dầu cho các quốc gia, cũng như pháp nhân yêu cầu tuân thủ giới hạn giá trong hợp đồng.
Tàu chở dầu thô Shun Tai neo đậu tại cảng Kozmino, gần thành phố cảng Nakhodka, Nga. (Ảnh: Reuters)
“Chúng tôi sẵn sàng giảm một phần sản lượng vào đầu năm sau, có thể giảm khoảng 500-700 nghìn thùng mỗi ngày. Đây sẽ là mức 5-7%", ông Alexander Novak cho hay.
Ông cũng cho biết sản lượng dầu ở Nga sẽ tăng 2%, khí đốt sẽ giảm 18-20% vào cuối năm 2022. "Cuối năm nay, trong ngành dầu mỏ, sản lượng dầu Nga sẽ tăng 2% lên 535 triệu tấn so với năm ngoái", Phó Thủ tướng Alexander Novak cho hay.
"Có sự sụt giảm một phần trong ngành khí đốt, khoảng 18-20%. Tuy nhiên, ngành công nghiệp khí đốt của Nga sẽ sản xuất 671 tỷ m3 khí trong năm nay. Đây cũng là một khối lượng lớn, trong đó khoảng 470 tỷ m3 sẽ cung cấp cho thị trường trong nước", ông nói thêm.
Tuyên bố của Phó Thủ tướng Alexander Novak được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với các phóng viên hôm 22/12 rằng ông sẽ ký một sắc lệnh về các biện pháp đáp trả đối với việc giới hạn giá dầu của Nga vào đầu tuần tới.
Mức trần giá 60 USD/thùng của EU đối với dầu của Nga có hiệu lực từ ngày 5/12. EU sẽ xem xét hai tháng một lần để duy trì ở mức thấp hơn 5% so với mức chuẩn của Cơ quan Năng lượng Quốc tế.
Các quốc gia G7 và Australia cũng hạn chế xuất khẩu dầu của Nga ở mức 60 USD/thùng. Moskva chỉ trích mức trần giá là nỗ lực nhằm thao túng “các nguyên tắc cơ bản tự do thương mại”, cảnh báo Nga sẽ không bán dầu cho những quốc gia áp dụng mức trần này.