Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nga đặt cược vào mạng lưới chiến hào, Ukraine tìm cách công phá bằng UAV

(VTC News) -

Nga đang xây dựng một mạng lưới chiến hào quy mô lớn để ngăn chặn đà tiến của Ukraine tại các điểm nóng giao tranh.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết, Nga đang xây dựng các tuyến phòng thủ mới cách tiền tuyến 60km, dường như có kế hoạch đảm bảo vị trí an toàn, nhằm phòng ngừa các cuộc tấn công của Ukraine trong mùa đông. Điều này sẽ giúp Moskva có thời gian củng cố lực lượng, tập hợp quân đội nhằm khôi phục sức mạnh trong bối cảnh sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine đang có xu hướng giảm.  

Một chiến hào ở miền Đông Ukraine. (Ảnh: AP)

Hình ảnh vệ tinh do Planet Labs cung cấp cũng cho thấy, Nga đang thực hiện các công việc quan trọng để xây dựng một chiến hào ở miền Đông Ukraine, với chiều dài dự kiến lên đến gần 200km. Các công sự cho tuyến phòng thủ này xuất phát từ thành phố Popasna do Nga nắm giữ ở phía Nam Lugansk và khu vực gần thị trấn Hirsk. Theo hình ảnh từ vệ tinh, có nhiều khối bê tông hình kim tự tháp nằm cạnh những đường rãnh lớn, được sử dụng để ngăn xe tăng và các phương tiện cơ giới hạng nặng.

Một nhà phân tích của tạp chí quân sự Jane's cho rằng, các chiến hào mà các lực lượng Nga đang xây dựng ở thời điểm hiện tại “lớn hơn và phức tạp hơn rất nhiều so với những chiến hào mà họ thiết lập trước đó trong cuộc xung đột”. Mạng lưới chiến hào đi qua những khu vực mà nhà phân tích này mô tả là có vai trò chiến lược quan trọng đối với các mục tiêu dài hạn của Nga, bao gồm Popasna, Severodonetsk và Lysychansk và Lugansk. Theo Janes, đây là một kế hoạch đầy tham vọng và Nga sẽ phải mất nhiều thời gian và công sức để hoàn thành.  

Trong thế chiến thứ nhất, tác chiến chiến hào đã trở thành một thuật ngữ cho thấy cuộc xung đột đang có dấu hiệu đóng băng, trong đó không bên nào đạt được lợi thế áp đảo và buộc phải cố thủ. Lực lượng tấn công có thể bị tổn thất nặng nề do mối đe dọa từ các loại vũ khí như pháo và súng máy được đặt trên chiến hào khi họ tiến lên trên một vùng đất trống trải. Đội quân cố thủ có thể sống sót ngay cả khi bị pháo kích dữ dội trong nhiều ngày. Chiến tranh chiến hào mang lại cho quân phòng thủ một lợi thế nhất định, trong khi phe tấn công có thể mất hàng nghìn binh sỹ nếu cố gắng tiến thêm vài km trên chiến trường.

Một thế kỷ sau, các cuộc chiến cường độ cao dường như mang tính cơ động hơn khi những đơn vị thiết giáp di chuyển nhanh chóng trên chiến trường nhờ sự yểm trợ của lực lượng không quân. Phía Nga dường như đang tính toán rằng việc quân đội Ukraine thiếu đạn dược, xe thiết giáp, máy bay chiến đấu, tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không sẽ khó chọc thủng tuyến phòng thủ kiên cố mà họ đã xây dựng, còn quân đội Nga có thể cố thủ trong chiến hào trong thời gian dài. Một cuộc xung đột “đóng băng” có thể giúp Nga tranh thủ thời gian để cơ cấu lại lực lượng và bổ sung khí tài quân sự.

Nhưng những video ghi lại trên chiến trường cho thấy, chiến thuật tác chiến chiến hào đang đối mặt với thách thức lớn, đặc biệt khi Ukraine tăng cường sử dụng máy bay không người lái thả lựu đạn với độ chính xác cao. Không chỉ các UAV quân sự, mà cả các UAV thương mại cũng có thể mang theo loại đạn được điều chỉnh từ lựu đạn sát thương Vog-17.

Chiến hào có thể cung cấp khả năng bảo vệ tốt trước súng máy và đại bác, khiến phe tấn công không dễ nhìn thấy những gì đang diễn ra ở phía bên kia, trong khi các ụ cát sẽ che chắn những binh sỹ nấp trong chiến hào trước hỏa lực của đối phương.

Tuy nhiên, các UAV cỡ nhỏ lại gây ra mối nguy hiểm khó lường. Nếu như súng máy và đại bác dễ phát hiện thì các UAV, hoạt động khá yên tĩnh, lại rất khó quan sát vì binh sỹ ở dưới đất bị cản trở tầm nhìn do nhiều chướng ngại vật bên trên. Trong khi đó những UAV mang lựu đạn lại có góc nhìn rộng, có thể dễ dàng phát hiện và tiếp cận mục tiêu.

Cuộc tấn công bằng lựu đạn có tính sát thương cao hơn, do những người lính trong chiến hào thường có xu hướng đi theo từng nhóm. Áo giáp có thể bảo vệ phần thân trên của các binh sỹ, nhưng những mảnh đạn bắn ra từ vụ nổ có thể gây thương tích bên dưới cơ thể. Không giống như các UAV cảm tử lao thẳng vào mục tiêu và phát nổ, các UAV ném lựu đạn có thể quay về vị trí xuất phát của chúng sau khi thực hiện nhiệm vụ. Trong trường hợp bị trượt mục tiêu, UAV này chỉ cần quay về để mang theo một quả lựu đạn khác cho lần xuất kích tiếp theo. Những lựu đạn này thường có giá thành rẻ vì thế nguồn cung có thể rất dồi dào.

Trong Thế chiến thứ nhất, các binh sỹ trong chiến hào có thể dự đoán được khi nào trận pháo kích bắt đầu hoặc kết thúc, nhưng với UAV điều này rất khó thực hiện. Trước đây, tác chiến chiến hào được cho là mang lại nhiều lợi thế vì vừa có khả năng bảo vệ các binh sỹ lại vừa ngăn được đà tiến của đối phương, nhưng hiện nay, sự xuất hiện của UAV đang trở thành thách thức lớn với chiến thuật này.

Hồng Anh (VOV.VN )

Tin mới