Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 8/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh: Nga sẽ vẫn mở đường dây đối thoại với các cường quốc hạt nhân, nhưng sẽ đáp trả tương ứng nếu Mỹ triển khai thêm vũ khí hạt nhân chiến lược.
“Chúng tôi không dừng bất kỳ cuộc đối thoại nào với bất kỳ ai. Chúng tôi không cắt đứt các nền tảng đối thoại. Chúng tôi luôn tuyên bố rằng ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất vẫn có chỗ cho đối thoại. Do đó, chẳng có ý nghĩa gì khi kêu gọi chúng tôi đối thoại, bởi chúng tôi chưa bao giờ từ chối làm như vậy”, bà Zakharova nói.
Tên lửa Iskander. (Ảnh: Eurasian Times)
Trước đó, trong phiên hỏi đáp tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg mới đây khi được hỏi liệu Nga có cần leo nhanh hơn trên thang hạt nhân hay không, Tổng thống Vladimir Putin cũng nhấn mạnh không loại trừ khả năng điều chỉnh học thuyết hạt nhân của Nga - học thuyết vạch rõ các điều kiện để sử dụng vũ khí hạt nhân khi Nga đối mặt với mối đe dọa đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Tuy nhiên, Nga chưa bao giờ khởi xướng việc leo thang như vậy và ông thấy không cần phải làm như vậy trong thời điểm hiện tại.
“Sử dụng vũ khí hạt nhân hay không sử dụng và sử dụng trong hoàn cảnh nào? Chúng tôi đã có học thuyết hạt nhân và mọi thứ đều được viết rõ ở đó. Tôi xin nhắc lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân là có thể trong trường hợp có mối đe dọa đặc biệt đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Nga và trong những trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên, tôi không nghĩ hiện nay có trường hợp như vậy và không cần thiết phải làm như vậy”, Tổng thống Putin cho hay.
Tuyên bố của Nga đưa ra chỉ 2 ngày sau khi ông Pranay Vaddi - quan chức kiểm soát vũ khí hàng đầu của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cho biết, Mỹ có thể phải triển khai nhiều vũ khí hạt nhân chiến lược hơn trong những năm tới nhằm ngăn chặn mối đe dọa gia tăng. Tuyên bố được Trợ lý cấp cao Nhà Trắng đưa ra bình luận trong bài phát biểu về cách tiếp cận cạnh tranh hơn đối với vấn đề kiểm soát vũ khí, trong đó vạch ra sự thay đổi chính sách nhằm gây sức ép buộc Nga và các nước không bác bỏ lời kêu gọi của Mỹ về đàm phán kiểm soát vũ khí.
Trong thời gian qua, Mỹ và các thành viên NATO khác đã cáo buộc Nga leo thang căng thẳng hạt nhân, trong khi các nhà lãnh đạo Nga cũng chỉ ra rằng việc phương Tây can dự sâu hơn vào cuộc xung đột Ucraina có thể dẫn đến sự leo thang. Sau khi Mỹ, Nga hủy bỏ Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung về kiểm soát tên lửa tầm trung, hai cường quốc vũ khí nhạt nhân Nga và Mỹ chỉ còn mối ràng buộc duy nhất là Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START mới) được gia hạn, có hiệu lực từ năm 2011.
Tuyên bố của các bên liên quan khiến dư luận không khỏi quan ngại về nguy cơ xung đột hạt nhân có thể xảy ra. Trong một tuyên bố đưa ra hôm qua Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cảnh báo những tiến bộ công nghệ và căng thẳng địa chính trị leo thang khiến nhân loại có nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân cao nhất kể từ khi Liên Xô tan rã vào năm 1991.
Ông cho rằng, những tiến bộ như vậy đang làm tăng thêm nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân và thỏa thuận kiểm soát vũ khí cuối cùng còn lại giữa Mỹ và Nga sắp hết hạn vào năm 2026. Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia có vũ khí hạt nhân phải đi đầu trong việc thúc đẩy các cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân mới.
Theo đánh giá của giới phân tích, nguy cơ leo thang căng thẳng hạt nhân giữa Nga và Mỹ hoàn toàn có thể xảy ra nếu các bên không có hành động kiềm chế. Tuy nhiên, đây chỉ là khả năng trong tương lai xa.