Các nhà cung cấp than Nga có thể chuyển hướng thương mại sang nơi khác sau khi EU ngừng mua than từ nước này, Phó Thủ tướng Aleksandr Novak viết trong một bài báo đăng trên tạp chí Energy Policy, hôm 10/10.
Ông Novak viết: “Khả năng tăng giao hàng đến các nước châu Á - Thái Bình Dương đang được xem xét, bên cạnh đó một phần khối lượng từ thị trường châu Âu có thể được gửi bằng đường sắt đến các cảng phía đông và các cửa khẩu biên giới. Như vậy, khoảng 25 triệu tấn có thể được chuyển hướng từ tây sang đông, bao gồm cả qua các cảng tại lưu vực biển Đen- biển Azov".
Nga có thể chuyển nguồn cung than khỏi châu Âu. (Ảnh minh họa: RT)
Ông nói thêm rằng chính phủ Nga, cùng với bộ giao thông vận tải nước này, sẽ làm việc để tăng năng lực đường sắt ở Viễn Đông cũng như dịch vụ vận tải hàng hải, đồng thời cố gắng đẩy nhanh sự phát triển của các cảng than theo hướng xuất khẩu hứa hẹn hơn. Họ cũng sẽ tìm cách giảm chi phí và thời gian vận chuyển.
Theo Cơ quan Hải quan Liên bang Nga, nước này đã xuất khẩu 46,8 triệu tấn than nhiệt và 3,6 triệu tấn than cốc sang EU vào năm ngoái, chiếm khoảng 35% tổng nhập khẩu của khối. Trong mười năm qua, tỷ trọng này đã tăng đáng kể.
“Do đó, ngày nay người tiêu dùng ở cả EU và các nước khác buộc phải khẩn trương tìm kiếm các nhà cung cấp than mới, phá vỡ sự cân bằng hiện có và chuỗi cung ứng lâu bền, dẫn đến tăng chi phí tài chính cho vận chuyển, tăng nhu cầu, hỗn loạn thị trường và giá cả tăng cao”, ông Novak nói thêm.
EU cấm nhập khẩu than Nga bắt đầu từ ngày 10/8 như một phần của gói trừng phạt với Moskva - được công bố vào tháng 4. Các công ty EU cũng bị cấm cung cấp bảo hiểm và các dịch vụ tài chính khác liên quan đến than Nga không chỉ cho các nước trong khối mà trên toàn thế giới.
Khối 27 quốc gia phụ thuộc nhiều vào Nga trong nhập khẩu than, trong đó Đức, Ba Lan và Hà Lan là những nhà nhập khẩu lớn nhất.