Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nga có bao nhiều vũ khí hạt nhân chiến thuật, ai có quyền kích hoạt?

(VTC News) -

Tổng thống Nga Putin ngày 25/3 cho biết Moskva sẽ sớm triển khai các hệ thống vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Belarus, điều NATO luôn lo ngại.

Reuters dẫn tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết thêm việc Moskva triển khai vũ khí hạt nhân đến Belarus không vi phạm các thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân. Ông Putin cũng nhấn mạnh rằng Moskva không có kế hoạch trao quyền kiểm soát bất kỳ vũ khí hạt nhân chiến thuật nào cho Minsk.

Nga có bao nhiều vũ khí hạt nhân chiến thuật?

Theo Reuters, dù tiến hành tháo gỡ đáng kể số đầu đạn hạt nhân sau Chiến tranh Lạnh, quân đội Nga vẫn duy trì số lượng lớn vũ khí hạt nhân cấp chiến thuật. Kho vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ước tính khoảng 2.000 đơn vị theo các báo cáo của Lầu Năm Góc.

Con số trên gấp 10 lần số vũ khí hạt nhân chiến thuật đang được Mỹ triển khai ở châu Âu dưới dạng bom hạt nhân.

Hầu hết các loại vũ khí tấn công thông thường của Nga đều có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân, điển hình như tên lửa đạn đạo chiến thuật 9K720 Iskander. (Ảnh: Getty Images)

Dù vậy các chuyên gia quân sự đều cho rằng khó có thể định nghĩa chính xác vũ khí hạt nhân chiến thuật với vũ khí hạt nhân chiến lược khi khả năng hủy diệt của chúng gần như tương đương nhau. Nên việc Nga có nhiều đầu hạt nhân chiến thuật hơn Mỹ có thể không chính xác.

Cũng theo Reuters, vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga có thể được triển khai từ nhiều nền tảng khác nhau như tên lửa, ngư lôi và bom được trang bị cho các quân, binh chủng. Quân đội Nga thường tích hợp vũ khí hạt nhân chiến thuật cho các hệ thống vũ khí tấn công thông thường có thể mang đầu đạn thông thường lẫn hạt nhân.

Về vũ khí hạt nhân của Mỹ ở châu Âu phần lớn là các biến thể của bom hạt nhân B61 có sức công phá từ 0,3 đến 170 kiloton, được triển khai tại sáu căn cứ không quân trên khắp Italia, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Bỉ và Hà Lan.

Quả bom hạt nhân do Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945 có sức công phá chỉ khoảng 15 kiloton.

Sau Liên Xô tan rã vào năm 1991, Nga có khoảng 22.000 đầu đạn hạt nhân trong khi Mỹ có khoảng 11.500 đầu đạn. Hầu hết số vũ khí này đã được tháo dỡ hoặc đang chờ tháo dỡ.

Ai có quyền phát động tấn công hạt nhân ở Nga?

Theo Học thuyết hạt nhân của Nga, Tổng thống Nga là người ra quyết định cuối cùng về việc sử dụng vũ khí hạt nhân, cả với các vũ khí chiến lược và phi chiến lược. Cặp hạt nhân được gọi là Cheget sẽ ở cạnh tổng thống trong mọi thời điểm.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga, hiện là Đại tướng Sergei Shoigu và Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Nga, Đại tướng Valery Gerasimov, cũng sở hữu cặp hạt nhân.

Trên thực tế, cặp hạt nhân là một công cụ liên lạc giữa tổng thống với các quan chức quân sự cấp cao và sau đó là tới các lực lượng tên lửa chiến lược qua mạng lưới chỉ huy và kiểm soát điện tử tối mật được gọi là "Kazbek". Kazbek hỗ trợ một hệ thống khác là Kavkaz.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết thêm việc Moskva triển khai vũ khí hạt nhân đến Belarus không vi phạm các thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân. (Ảnh: Reuters)

Một đoạn video được kênh truyền hình Zvezda của Nga đăng tải năm 2019 cho thấy một trong các cặp hạt nhân này có hàng loạt nút bấm khác nhau.

Ở phần được gọi là "chỉ huy" có 2 nút: nút "phóng" màu trắng và nút "hủy bỏ" màu đó. Cặp hạt nhân được kích hoạt bởi một tấm thẻ đặc biệt. Nếu nước Nga được cho là đối mặt với một cuộc tấn công hạt nhân, Tổng thống Nga, qua các cặp hạt nhân sẽ ra lệnh phóng trực tiếp tới Bộ Tổng tham mưu và các đơn vị chỉ huy dự phòng, các bên cũng nắm giữ các mật mã hạt nhân.

Các tầng lệnh này sẽ nhanh chóng được chuyển tới các hệ thống liên lạc khác nhau rồi tới các lực lượng tên lửa chiến lược thực hiện nhiệm vụ tấn công mục tiêu.

Nếu một cuộc tấn công hạt nhân được xác nhận, Tổng thống Putin có thể kích hoạt hệ thống được gọi là "Bàn tay Thần Chết" hay “Perimetr”. Trên thực tế, các máy tính này sẽ quyết định Ngày tận thế của nhân loại. Một tên lửa kiểm soát sẽ ra lệnh tấn công hạt nhân từ các kho vũ khí trên khắp nước Nga.

Các đầu đạn hạt nhân trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga được lưu trữ tại 30 căn cứ quân sự và hầm chứa thuộc kiểm soát của Tổng cục 12 của Bộ Quốc phòng Nga do Trung tướng Igor Kolesnikov đứng đầu.

Sau khi Liên Xô tan rã, kho vũ khí hạt nhân được Moskva triển khai tại Belarus, Ukraine và Kazakhstan là mối quan tâm lớn nhất của Mỹ và các nước châu Âu. Washington cho rằng Nga nên có trách nhiệm thu hồi và tháo gỡ số vũ khí này, kèm với đó những cam kết an ninh dành cho các nước hậu Xô-Viết.

Đến giữa những năm 1990, Nga đã tiến hành thu hồi toàn bộ số vũ khí hạt nhân ở Belarus, Ukraine và Kazakhstan theo đúng cam kết với Mỹ và châu Âu. Kể từ đó cho đến nay, Nga chưa từng triển khai vũ khí hạt nhân ở nước ngoài.

Cùng với việc Tổng thống Nga tuyên bố sẽ triển khai vũ khí hạt nhân đến Belarus, nhiều chuyên gia quân sự cho rằng thế giới đang phải đối mặt với khủng hoảng hạt nhân nghiêm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Trà Khánh

Tin mới