Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nga chế tạo động cơ tên lửa mạnh nhất thế giới

(VTC News) -

Tập đoàn vũ trụ Roscosmos của Nga hôm 23/6 công bố việc sản xuất động cơ RD-171MV cho tên lửa Soyuz-5.

Theo tập đoàn vũ trụ Roscosmos của Nga, Hiệp hội Nghiên cứu và Sản xuất Energomash đã sản xuất thành công mẫu động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng RD-171MV đầu tiên, được cho là mạnh hơn bất kỳ hệ thống đẩy tương tự nào khác trên thế giới.

Vụ phóng thử nghiệm sử dụng động cơ RD-171MV cho tên lửa đẩy Soyuz-5 mới sẽ diễn ra vào tháng 6. Mục tiêu chính đằng sau sự phát triển của Soyuz-5 là tạo điều kiện thuận lợi cho việc phóng tàu vũ trụ không người lái vào các quỹ đạo gần Trái đất.

Hình ảnh động cơ RD-171MV cho tên lửa Soyuz-5. (Ảnh: Roscosmos)

Năm 2023, Roscosmos dự kiến ​​lắp ráp xong động cơ cho tên lửa hành trình thứ hai và sản xuất động cơ cho tên lửa hành trình thứ ba.

Theo Roscosmos, dự án được khởi động vào năm 2017 và kể từ đó, 2 mẫu RD-171MV đã được sản xuất và tiến hành thử nghiệm lần cuối. Đến nay, Nga tiến hành hơn 20 cuộc thử nghiệm lửa đối với động cơ RD-171MV.

“Các giai đoạn tiếp theo của chương trình sẽ là các cuộc thử nghiệm nâng cấp của động cơ RD-171MV và cung cấp hàng loạt động cơ cho tên lửa Soyuz-5”, tập đoàn vũ trụ Roscosmos cho hay.

Theo Roscosmos, RD-171MV là phiên bản hiện đại hóa của động cơ RD-170/171 do Hiệp hội Nghiên cứu và Sản xuất Energomash thiết kế vào năm 1976-1986. Động cơ nâng cấp được cho là mạnh nhất thế giới với trọng lượng hơn 10 tấn và lực đẩy hơn 800 tấn. 

Tua bin và máy bơm của RD-171M tạo ra công suất 180 MW, tương đương với ba tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Tổng công ty Tên lửa Vũ trụ (RSC) Energia của Nga đã phát triển phương tiện phóng hạng trung Soyuz-5, được đặt tên là Irtysh, để thay thế các phương tiện phóng Zenit do Ukraine sản xuất. 

Tên lửa mới sẽ được phóng từ trạm vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan. Theo Roscosmos, tên lửa này có thể vận chuyển tới 17 tấn hàng hóa lên vũ trụ và chức năng chính của nó là vận chuyển các thiết bị vũ trụ tự động đến các quỹ đạo gần Trái đất.

Kông Anh

Tin mới