Theo tờ Washington Post, công hàm đã được Đại sứ quán Nga tại Washington chuyển tới Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 12/4, với tiêu đề “Về những lo ngại của Nga trong bối cảnh Mỹ cung cấp lượng lớn vũ khí và thiết bị quân sự cho Kiev".
Trong công hàm, Nga coi "nhiều hệ thống tên lửa" là "nhạy cảm", cáo buộc Mỹ và các đồng minh NATO vi phạm "các nguyên tắc nghiêm ngặt" khi quản lý việc chuyển vũ khí đến các khu vực xung đột, cũng như cảnh báo về "nguy cơ vũ khí chính xác cao rơi vào tay các phần tử cực đoan, các phần tử cực đoan ở Ukraine”.
Mỹ có nhiều đợt viện trợ quân sự cho Kiev từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tấn công Ukraine. (Ảnh: AP)
Công hàm của Nga cũng cáo buộc NATO gây sức ép buộc Ukraine từ bỏ các cuộc đàm phán với Nga "để tiếp tục đổ máu", cho rằng Washington đã tạo sức ép lên các nước khác để ngừng hợp tác quân sự và kỹ thuật với Nga, đồng thời khuyến khích các quốc gia có vũ khí từ thời Liên Xô giao chúng cho Ukraine.
“Chúng tôi kêu gọi Mỹ và các đồng minh ngừng quân sự hóa Ukraine một cách vô trách nhiệm, gây ra những hậu quả khó lường đối với an ninh khu vực và quốc tế”, tờ Washington Post trích dẫn nội dung công hàm của Nga.
Đại sứ quán Nga tại Mỹ và Bộ Ngoại giao Nga hiện chưa đưa ra bình luận về công hàm này.
Hôm 13/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố gói viện trợ khí tài bổ sung trị giá 800 triệu USD cho Ukraine. Vũ khí Mỹ viện trợ bao gồm pháo, xe bọc thép và trực thăng.
Theo thống kê từ Lầu Năm Góc, đây là lần thứ 7 Bộ Quốc phòng Mỹ mở kho dự trữ kể từ tháng 8/2021 để chuyển giao vũ khí cho Ukraine. Tính từ khi Nga khai màn chiến dịch quân sự đến nay, khoản viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Kiev đã lên đến 2,6 tỷ USD.
Lầu Năm Góc cũng được cho là đã triệu tập 8 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu của Mỹ, bao gồm Raytheon, Boeing, Lockheed Martin, Northrop Grumman, General Dynamics và L3 Harris Technologies, để thảo luận về việc đẩy mạnh sản xuất vũ khí, bù đắp vào chỗ trống trong kho dự trữ.