Không biết người thợ ảnh nào ở thành phố Pisa nước Ý đã nghĩ ra một chiêu chụp ảnh độc, để cho một bức ảnh mà trong khuôn hình có một cô gái tóc bay tung trong gió, gương mặt hướng vế ống kính máy ảnh tươi cười, phô hàm răng trắng phau dưới nắng hè vàng, với tư thế đứng duỗi thẳng hai cánh tay chống đẩy vào lưng chừng bên phía mặt tháp Pisa đang nghiêng, dường như cố lấy hết sức bình sinh dựng lại cho tháp đứng thẳng.
Bức ảnh thứ hai, là một cặp đôi trai gái, cùng giơ cánh tay khum qua đỉnh tháp Pisa, khuôn cả tòa tháp nghiêng vào khoảng giữa hai người như một chiếc khung ảnh. Như muốn nói tháp Pisa có cao gì thì cao, cũng vẫn giới hạn trong tình yêu của họ.
Cả hai bức ảnh được chụp ngược sáng, có lẽ là vào xế trưa, cho hiệu quả ánh sáng ven, sáng cháy quanh tóc và thân thể họ. Hai bức ảnh được phóng to làm thành tấm pa-nô dựng hai bên cửa một cửa hàng ảnh lớn làm quảng cáo.
Khách du lịch đến thành phố Pisa nhìn hai bức ảnh ấy ai cũng muốn chụp cho mình, nhất là cặp đôi trai gái, một tấm hình giống như thế. Họ dùng máy ảnh du lịch chọn điểm chụp, điều chỉnh mãi cự ly và gác độ, mà trên màn hình vẫn không cho một khuôn hình sinh động như hai bức ảnh pa-nô quảng cáo. Một cặp đôi người Ấn Độ, anh Salman Khan và cô Nirjara nhờ tôi giúp. Tôi chỉ tay vào cửa hàng ảnh, cười: “- Chỉ có tay thợ ảnh ở cửa hàng kia kìa mới chụp được kiểu ảnh như thế. Đó là chiêu kiếm tiền độc của họ mà!” Đôi bạn trẻ người Ấn Độ ngạc nhiên. Tôi đành giải thích: “Tay thợ ảnh chuyên nghiệp ấy đã phải mất rất nhiều thời gian công phu, để chọn thời tiết thích hợp, ánh sáng trời thích hợp, một vị trí thích hợp, một loại ống kính có tiêu cự thích hợp, cùng phụ kiện là các tấm phản quang mới làm được việc đó. Và giữ độc quyền!” Salman Khan để cô bạn gái ở lại bên tôi, chạy vội tới cửa hàng ảnh. Trao đổi gì đó rồi chạy ra ngay. Anh cười gượng gạo nói: “20 euro. Đắt quá!”
Tôi không biết thu nhập của người dân Ấn Độ được bao nhiêu một tháng. Nhưng với người Việt Nam là quá quá đắt. Tương đương 600 nghìn đồng một kiểu ảnh. Tuy nhiên, thôi thì “cây nhà lá vườn”, miễn là có tấm ảnh cho cô bạn gái Nirjara “chống tay đẩy tháp Pisa”, và cặp đôi Salman Khan – Nirjara khum vòng đôi cánh tay qua đỉnh tháp, khuôn trọn tháp Pisa vào lòng hai người là được rồi. Tôi cố gắng trong khả năng có thể. Bấm máy. Rồi lại bấm máy. Giở ảnh kiểm tra. Nirjara cười xóe: “Thế cũng tốt lắm rồi!” Cô nhìn tôi: “Cũng đạt mức 10 euro!” Và chúng tôi cùng cười rũ rượi.
Chuyện này làm tôi nhớ về nhiếp ảnh gia Võ An Ninh. Sinh thời cụ phải mất 3 tháng ăn nằm ở Sa Pa rình chụp để có được bộ ảnh “Sương mù” ở đây. Mà cũng chỉ có một bức để đời. Cụ có một bức ảnh chụp Hồ Gươm độc nhất vô nhị, mà nhiều nhiếp ảnh trẻ tìm mãi quanh Hồ Gươm không thể tìm ra cái cành liễu nơi cụ lấy làm bối cảnh. Đành phải hỏi. Cụ cười ha ha: “Chặt ngay sau đó!”
Tháp Pisa nổi tiếng thế giới bởi nó nghiêng. Thành phố Pisa nằm trên đường từ Venice xuống phía nam tới thành phố cổ Floren nước Ý.
Tháp nghiêng Pisa là một tòa tháp chuông của thành phố được xây dựng năm 1173. Tòa tháp cao 55,86 mét từ mặt đất ở phía thấp nhất, và 56,70 mét ở phía cao nhất. Đó là điều nhiêu khê nhất khi nói tới chiều cao của tháp nghiêng Pisa. Chiều rộng những bước tường móng là 4,09 mét và ở trên đỉnh là 2,48 mét. Ước tính trọng lượng của tháp khoảng 14.500 tấn. Tháp có 294 bậc. Ngay trong khi xây dựng, người ta đã phát hiện tòa tháp bị nghiêng rồi. Các biện pháp địa kỹ thuật suốt trong nhiều chục năm, trăm năm qua đã được tiến hành nhằm đảm bảo độ ổn định cho tháp. Vẻ đẹp của tòa tháp cùng với độ nghiêng của nó đã cuốn hút khách du lịch hằng năm cố công vượt trùng dương tới Pisa.
Thật kỳ lạ, gần đây có hai nhà thờ ở nước Đức đã cạnh tranh với Pisa cái danh nghĩa “Tòa nhà nghiêng nhất thế giới”. Đó là tháp hình vuông tại Suurhusen xây dựng từ thế kỷ XIII, và tháp chuông tại Bad Frankenhausen xây dựng từ thế kỷ XIV. Tháp đứng 3,97 độ nghiêng, có nghĩa là nếu tháp đứng thẳng, trần tháp sẽ cao hơn 3,90 mét. Sách Kỷ lục Guinness đã tới Pisa và Suurhusen để đo và so sánh. Độ nghiêng của tháp Pisa là 3,97 độ. Xác nhận nghiêng nhất thế giới.
Tháp nghiêng Pisa là một công trình nghệ thuật, được xây dựng trong ba giai đoạn với tổng thời gian khoảng 174 năm. Việc xây dựng lầu chuông tầng thứ nhất bằng đá cẩm thạch bắt đầu ngày 9 tháng 8 năm 1173, giai đoạn của sự thịnh vượng và những thắng lợi quân sự của nước Ý. Tầng này được bao quanh bởi những cột có đầu cột kiểu cổ điển đỡ các vòm rèm. Dẫu ảnh hưởng thời tiết cùng thời gian hơn 800 năm qua mà chúng vẫn còn nguyên vẹn.
Nhà bác học Galileo Galilei được cho là đã thả hai quả đạn ca-nông có khối lượng khác nhau từ trên tháp xuống để chứng minh tốc độ rơi của chúng có gia tốc trọng trường. Dù nhiều phần của câu chuyện này được chính các học trò của Galileo kể lại, chúng vẫn bị coi là một huyền thoại. Tuy Galileo thực sự có trèo lên đỉnh tháp và thả hai vật gì đó xuống nhằm chứng minh cho lý thuyết đã được chứng minh của mình, nhưng có lẽ chúng không phải là những viên đạn đại bác.
Thủ tướng Ý Benito Mussolini đã từng ra lệnh dựng thẳng tháp Pisa lên, và bê tông đã được rót vào móng của nó. Tuy nhiên kết quả thực tế chỉ làm tháp lún sâu hơn vào trong đất.
Trong chiến tranh thế giới thứ hai, quân Đồng-minh phát hiện ra rằng quân Phát-xít đang sử dụng tháp Pisa làm một đài quan sát. Một trung sĩ của quân đội Hoa Kỳ được lệnh cấp trên giao cho anh ta quyết định số phận tòa tháp. Chẳng hiểu anh ta nghĩ thế nào, đã không lựa chọn cách tấn công bằng pháo binh để bảo vệ công trình, để đến hôm nay nhân loại mới còn có một tháp nghiêng nhất thế giới mà đến nước Ý tham quan ngắm nghía.
Cuối tháng 2 năm 1964 Chính phủ Ý kêu gọi hỗ trợ để ngăn tháp Pisa không nghiêng thêm dẫn tới đổ. Tuy nhiên, việc giữ cho tháp Pisa giữ nguyên được độ nghiêng như hiện giờ cũng là một yêu cầu quan trọng, vì Chính phủ Ý đã nhận ra vai trò rõ rệt của “yếu tố nghiêng” này trong việc thu hút khách du lịch cho ngành công nghiệp không khói từ tòa tháp Pisa. Một đội ngũ gồm các kỹ sư, nhà toán học, sử học đa quốc gia đã tham gia cuộc hội thảo trên đảo Azores nhằm thảo luận về các biện pháp ổn định tháp. Sau hơn hai thập kỷ hoạt động của dự án, tháp Pisa đã bị đóng cửa với công chúng vào tháng 1 năm 1990. Khi tháp bị đóng cửa, những quả chuông đã được chuyển đi nhằm làm giảm trọng lượng, và các dây cáp được nịt quanh tầng ba để níu giữ tháp. Những chung cư và ngôi nhà dọc theo hướng tháp nghiêng được di tản để bảo đảm an toàn.
Sau một thập kỷ sửa chữa và ổn định, tháp Pisa được mở cửa trở lại cho công chúng vào ngày 15 tháng 12 năm 2001. Hôm ấy cả nước Ý vui như một ngày hội. Và nhân dân thế giới đón tin tháp Pisa mở cửa trở lại như một tin giật gân nhất trong tuần. Nhưng mọi người đến đây bỗng khám phá ra rằng độ nghiêng của tháp Pisa tăng lên bởi các tảng đá xây nở ra và chèn ép lên nhau vì sức nóng của ánh sáng mặt trời. Đồng thời nền móng phía thấp cũng mềm hơn. Lại có nhiều phương án được đề xuất để ổn định tháp, trong đó có cả việc đưa thêm 800 tấn chì vào nhằm làm đối trọng với phần đáy tháp đang dội lên. Phương án cuối cùng ngăn chặn sự sụp đổ của tháp, là gắng nâng thẳng tháp lên tới một góc an toàn hơn, bằng cách rút đi 38 mét khối đất phía dưới đáy đang bị dội lên ấy. Sau đó, người ta tuyên bố “chắc như đinh đóng cột”, rằng tháp nghiêng Pisa đã ở tình trạng an toàn ít nhất cũng được tới 300 năm.
Nhưng tới tháng 5 năm 2008, sau khi dời tới 64 tấn đất, các kỹ sư tuyên bố rằng tháp được ổn định hóa đến độ mà tháp đã ngừng nghiêng lần đầu tiên. Họ ước lượng rằng tháp Pisa sẽ đứng vững cho ít nhất …200 năm nữa.
Trước đó, năm 1987, tháp Pisa đã được tuyên bố là một phần của Campo dei Miracoli – Di sản thế giới - cùng với thánh đường, nhà thờ và nghĩa trang nằm cùng khu có tháp nghiêng Pisa.
Có lẽ những câu chuyện vừa thực vừa ảo về tháp Pisa nghiêng như thế nào, cùng sự quan tâm của nước Ý về chuyện nghiêng nghiêng của tháp, còn hùng tráng và đáng ghi nhớ hơn là cái dáng hình nghiêng của Pisa. Mà người ta đã quên phắt mô tả phong cách kiến trúc của tháp là cổ điển hay Gothic, chất liệu xây tháp là gì, đá hoa cương hay cẩm thạch, có chạm khắc hình hài các vị thần bằng thạch anh, có dát vàng hay nạm sa-phia hình trang trí, cũng như cần nói về tác giả của công trình là kiến trúc sư danh tiếng nào như thông thường khi người ta giới thiệu một công trình văn hóa kiến trúc.
Nhưng tôi đã tự giải thích với chính mình, rằng những tình tiết về nhà bác học Galileo trèo lên đỉnh tháp thả hai quả đại bác để chứng minh lý thuyết lực hút về tâm của trái đất không tùy thuộc khối lượng của vật thể, rồi chuyện anh trung sĩ Hoa Kỳ của quân đội Đồng-minh muốn bảo vệ tháp mà không tấn công cứ điểm quan sát này của quân Phát-xít bằng pháo binh, cũng như việc đổ chì, moi rút đất ở đáy tháp để cứu tháp nghiêng, chính nó đã làm nên linh hồn thiêng cho tháp nghiêng Pisa của nước Ý, đến nỗi hai nhà thờ của nước Đức “nổi cục tức” đã đâm đơn lên Sách “Kỷ lục Guinness” kiện để tranh giành ngôi danh nghĩa “nghiêng nhất thế giới”.
Trong bữa ăn trưa tại khách sạn Holiday Inn Assago với món mì Ý, thấy tôi dùng dĩa cuộn những sợi mì rất vụng về, Nuala Moisell phải giúp. Tôi tủm tỉm cười, Nuala Moisell hỏi cười gì. Tôi không tủm tỉm nữa mà cười khùng khục: “- Việc cuộn mì Ý với tôi rất phức tạp và nhiêu khê. Giống như việc nắn thẳng tháp Pisa với người Ý vậy. Ở đất nước tôi, chuyện nắn đứng các công trình bị nghiêng như tháp Pisa là chuyện nhỏ như con thỏ!”
Nuala Moisell bỏ cặp kính râm trố mắt nhìn tôi: “- Có chuyện đó sao?”
Tôi kể cho chị nghe chuyện ông “Thần Đèn” Việt Nam. Tới nay đã chữa tới gần ba chục công trình cao tầng bị lún nghiêng. Nghiêng tới 4,01 độ. Nghiêng hơn cả tháp Pisa. Thậm chí gần đây ông “Thần Đèn” còn dịch chuyển cả một tòa nhà tới một vị trí khác xa 25 mét. Cần đâu tới hội thảo quốc tế với dự án 20 năm. Ông “Thần Đèn” là người khiêm tốn. Không quảng cáo. Tôi mách chị, thử báo cáo lên Thủ tướng Silvio Berlusconi xem, chi tiền đậm rồi mời “Thần Đèn” Việt Nam sang. Gía rẻ hơn ở nước Ý nhiều!
Nuala Moisell lúc này mới cười phá lên lanh lảnh như tiếng sứ vỡ, dí cái dĩa vào trán tôi: “- Anh nghĩ thế sao? Chỉ biết đi du lịch mà không biết làm du lịch. Người ta đến Úc để xem Nhà hát Vỏ Sò. Đến Pháp thăm ngắm Tháp Eiffel. Đến Bỉ để biết Chú bé Đứng tè. Sang Mỹ, Tháp Đôi thì bị bom khủng bố phá, đành ngắm tạm tượng Nữ Thần Tự do. Vậy đến Ý, tháp Pisa không còn nghiêng nữa, thì người ta còn muốn đến nước Ý không?”
Tôi ra hiệu cho Nuala Moisell ngả đầu lại gần, nói nhỏ: “- Xin lỗi! Tôi vốn vụng về. Hãy quên chuyện ông “Thần Đèn” đi! Coi như tôi chưa kể chuyện này. Được chứ?” “- Tất nhiên rồi! Và đến những nơi sẽ đến anh cũng đừng vụng về mà kể chuyện ông “Thần Đèn” Việt Nam với ai nữa. Được không?” “- Hiểu rồi!”
Cả hai chúng tôi cùng cười phá lên như có ai cù vào mạng sườn.
Ngồi bàn phía bên kia là anh lái xe Rhys Meyers, quay sang, hỏi: “- Chuyện gì mà hai người vui làm vậy?” Nuala Moisell dứ dứ ngón tay cái: “- Bí mật! Chuyện này là chuyện riêng của hai chúng tôi thôi!”
Và tôi đã giữ lời hứa. Trong suốt cuộc hành trình trên đất Ý: Milan, Florence hay Rome. Không kể chuyện ông “Thần Đèn” Việt Nam với một ai là người Ý.
Du ký của Khiếu Quang Bảo