Từ “người bạn cũ”…
Dưới thời Tổng thống Trump, mối quan hệ Mỹ - Trung đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích Trung Quốc, nếu đắc cử, ông Joe Biden, ứng viên đảng Dân chủ thậm chí còn có thể gây nên nhiều tổn hại hơn cho Bắc Kinh bằng cách theo đuổi một chiến lược toàn diện nhằm đối phó với chiến lược toàn cầu của Trung Quốc.
Ông Biden khẳng định, nếu trở thành Tổng thống, ông sẽ thực hiện lập trường cứng rắn hơn với vấn đề biến đổi khí hậu, các vấn đề ở Tân Cương và Hong Kong (Trung Quốc). Với giới lãnh đạo Trung Quốc, ông Biden là một ứng viên có thể khôi phục mạnh mẽ mối quan hệ với các đồng minh của Mỹ và huy động các quốc gia này gây sức ép với Trung Quốc hiệu quả hơn.
"Biden sẽ thực hiện những chính sách cứng rắn hiệu quả và toàn diện hơn. Ông ấy có thể sẽ tiến hành những chiến thuật tinh vi và có hợp tác nhằm đối phó với Trung Quốc", Cheng Xiaohe, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh nhận định.
Ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình cùng 2 người phiên dịch ở thành phố Thành Đô của Trung Quốc năm 2011. (Ảnh: Getty)
Sau khi một lần nữa đưa Trung Quốc thành trụ cột trong chiến lược tranh cử của mình, Tổng thống Trump nhiều lần khẳng định ông là người cứng rắn hơn ông Biden trong việc đối phó với Bắc Kinh. Nhà lãnh đạo Mỹ đã phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, nhằm vào lĩnh vực công nghệ đang phát triển của Trung Quốc và nhiều lần cáo buộc nước này để dịch bệnh COVID-19 lây lan ra toàn thế giới. Tuy nhiên, Tổng thống Trump cũng xa cách và nhiều khi bất đồng quan điểm với các nhà lãnh đạo ở châu Âu và châu Á.
Trên thực tế, nhà chức trách Trung Quốc không đưa ra bình luận công khai về triển vọng đắc cử của ông Trump và ông Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020. Ông Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai), Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ và các nhà chức trách khác cũng bác bỏ các nhận định cho rằng Bắc Kinh đang tìm cách gây ảnh hưởng hoặc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Nhiều người trong giới quan sát và giới lãnh đạo Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh sẽ đối mặt với một môi trường chính trị ngày càng khắc nghiệt ở Washington, bất kể ai là người chiến thắng. Giới lãnh đạo ở Bắc Kinh hiện đều hiểu rõ cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều muốn thực hiện nhiều biện pháp hơn để kiềm chế Trung Quốc, đồng thời tạo ra thách thức với tham vọng mở rộng quyền lực kinh tế và địa chính trị của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Cựu Phó Tổng thống Joe Biden không còn xa lạ với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có cả ông Tập Cận Bình. Từng là một Thượng nghị sĩ, ông Biden đóng vai trò quan trọng trong quá trình Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001 - một điểm mà Tổng thống Trump nhiều lần sử dụng để công kích ứng viên đảng Dân chủ này.
Giới lãnh đạo Trung Quốc nhìn nhận ông Biden chủ yếu qua những kinh nghiệm hồi ông còn làm việc dưới thời chính quyền Tổng thống Obama khi mối quan hệ Mỹ - Trung cũng rơi vào căng thẳng dưới thời người tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình là ông Hồ Cẩm Đào. Những tranh cãi vào thời điểm đó chủ yếu xoay quanh vấn đề gián điệp mạng và các hoạt động quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tuy nhiên, Tổng thống Obama vẫn hy vọng sẽ đạt đươc tiến triển với Trung Quốc trên những vấn đề khác, chẳng hạn như biến đổi khí hậu cũng như kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên và Iran. Tổng thống Obama đã cử ông Biden khi đó là Phó Tổng thống thúc đẩy mối quan hệ với ông Tập Cận Bình, sau này là Chủ tịch nước Trung Quốc.
Trong chuyến thăm Trung Quốc vào năm 2013, ông Biden đã hợp tác với ông Tập Cận Bình để chấm dứt những căng thẳng về mặt quân sự, đồng thời đưa ra cảnh báo về việc Trung Quốc trục xuất các nhà báo Mỹ. Đứng tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ông Tập đã gọi ông Biden là "người bạn cũ của tôi".
… đến kẻ thù đáng gờm trong tương lai
Là một ứng viên tranh cử Tổng thống, cựu Phó Tổng thống Joe Biden đã thay đổi lập trường mạnh mẽ khi tuyên bố sẽ "cứng rắn với Trung Quốc", một nỗ lực nằm trong sự chuyển dịch bao quát của lưỡng đảng Mỹ những năm gần đây. Tuần trước, ông Biden đã gọi Trung Quốc là một "đối thủ cạnh tranh nghiêm túc" chứ không phải là một "kẻ thù" như cách mà ông sử dụng để miêu tả về Nga.
Trong suốt cuộc tranh luận của đảng Dân chủ hồi tháng 2/2020, ông Biden cho biết, là một Phó Tổng thống, ông có nhiều thời gian làm việc với ông Tập Cận Bình nhiều hơn bất kỳ nhà lãnh đạo thế giới nào thời điểm đó, và rằng, ông đủ hiểu bản chất của người mà ông sẽ đối phó nếu đắc cử.
Ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ. (Ảnh: Reuters)
Các nhà chức trách Trung Quốc dường như đã quen với việc Bắc Kinh bị chỉ trích trong mỗi mùa bầu cử Mỹ.
"Trong bối cảnh hiện nay, bất kỳ ai có lập trường mềm yếu với Trung Quốc đều sẽ mất điểm", Wei Zongyou - một giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ ở Đại học Fudan nhận định.
Tuy nhiên, Bắc Kinh lo ngại rằng những tuyên bố mạnh mẽ của ông Biden không chỉ là những lời hăm dọa bởi nếu đắc cử, ông Biden sẽ hành động nhiều hơn để trừng phạt Trung Quốc trên những vấn đề như vấn đề Tây Tạng, mặc dù dưới thời Tổng thống Trump, một số quan chức và công ty Trung Quốc đã bị trừng phạt về việc này.
Một số chuyên gia ở Bắc Kinh cũng bày tỏ lo ngại về tuyên bố của ông Biden đối với việc tiến hành các thỏa thuận thương mại mới nhằm kiềm chế ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ở châu Á và nhiều nơi khác. Giới quan sát đánh giá rằng ông Biden có thể làm tốt hơn chính quyền Tổng thống Trump trong việc cô lập hoặc kiềm chế Bắc Kinh.
Tuy nhiên, Shi Yinhong - một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh cho rằng: "Tôi không có ảo tưởng rằng ông Biden sẽ tốt hơn", đồng thời nhận định cựu Phó Tổng thống sẽ đứng trước sức ép về việc hành động mạnh mẽ hơn với Bắc Kinh.
Ở một khía cạnh nào đó, Trung Quốc dường như muốn ông Trump trở thành Tổng thống thay vì ông Biden bởi hướng tiếp cận kiểu giao dịch của ông Trump, bất chấp sự lao dốc nghiêm trọng trong mối quan hệ giữa 2 nước kể từ khi đại dịch Covid 19 bùng phát.
Trung Quốc dường như cũng có lợi ích từ sự hỗn loạn và chia rẽ ở nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump bởi điều đó giúp Bắc Kinh xây dựng hình ảnh và gia tăng ảnh hưởng trên thế giới.
Theo cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd, giới lãnh đạo Trung Quốc coi Tổng thống Trump là một "nhân tố thực sự tiêu cực" trong việc củng cố các liên minh của Mỹ ở trong và ngoài châu Á.
Trong khi đó, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Bolton cho biết Tổng thống Trump, người từng đề nghị ông Tập Cận Bình giúp đỡ cho chiến dịch của ông, hiện đang khẳng định rằng Bắc Kinh muốn ông thất bại bởi ông đã gây sức ép với Trung Quốc về thương mại và công nghệ.
Một số chuyên gia Trung Quốc bày tỏ hy vọng rằng nếu đắc cử, ông Biden sẽ theo đuổi một mô hình ngoại giao truyền thống hơn, tìm kiếm những điểm chung với Bắc Kinh trên các vấn đề như biến đổi khí hậu hoặc y tế công cộng.
Giới lãnh đạo Trung Quốc đã thúc đẩy kiểu hợp tác này trong một thời gian dài mặc dù các quan chức từ lưỡng đảng Mỹ ngày càng không hài lòng với những cuộc trao đổi dường như không thu được thành quả gì.
"Nếu ông Biden đắc cử, Trung Quốc và Mỹ vẫn tiếp diễn những xung đột và mâu thuẫn trên một số vấn đề nhưng sẽ có một vài khía cạnh có thể hợp tác chặt chẽ hơn", Jia Qingguo, giáo sư, đồng thời là cựu trưởng khoa Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Peking bình luận.
Dù bất kỳ ai giành chiến thắng vào tháng 11 tới, giới lãnh đạo Trung Quốc dường như đều hiểu rằng sự đối lập về chính sách giữa 2 bên sẽ gia tăng trong bối cảnh chính trị ở Mỹ hiện nay.
Nếu ông Biden chiếm ưu thế, ứng viên đảng Dân chủ sẽ đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn, đó là đảo ngược nhiều động thái của chính quyền Tổng thống Trump với Trung Quốc.
"Bầu không khí bao trùm sẽ là cứng rắn hoặc thậm chí không thân thiện với Trung Quốc, mọi người đều hiểu rõ điều đó. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ không thể quay lại như trước đây", giáo sư Wei thuộc Đại học Fudan đánh giá.