Theo Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, phát triển các nền tảng số được xem là giải pháp đột phá để thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số.
Với quan điểm không để toàn bộ dữ liệu của Việt Nam bị đưa ra và lưu trữ ở nước ngoài bởi các công ty nước ngoài, các nền tảng số “Make in Vietnam” được ưu tiên nghiên cứu phát triển và triển khai ứng dụng, tập trung giải quyết những bài toán lớn của quốc gia, những vấn đề nhức nhối của xã hội.
Từ trung tuần tháng 4/2020 đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông liên tục công bố ra mắt, giới thiệu các nền tảng “Make in Vietnam” để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân biết và dễ dàng tiếp cận, ứng dụng vào thực tiễn.
Với các nền tảng số “Make in Vietnam”, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không cần phải đầu tư hệ thống công nghệ thông tin riêng và đội ngũ chuyên gia, quản trị mạng của riêng mình, mà vẫn tận dụng được những thành tựu công nghệ mới nhất. Như thế sẽ chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí đầu tư và tăng hiệu quả chuyển đổi số.
Tăng hiệu quả hoạt động của chính quyền số, chính phủ số
Một trong những nền tảng “Make in Vietnam” hỗ trợ đắc lực hoạt động của các cơ quan nhà nước, hướng tới chính phủ số, là Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP). Với chức năng chính là kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương, NDXP được ví như “xương sống” dữ liệu quốc gia.
Báo cáo Đánh giá tình hình công tác quản lý nhà nước quý III/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, tới nay, đã có 98 bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức ở Trung ương kết nối vào NDXP; 23 nền tảng số/cơ sở dữ liệu/hệ thống thông tin đã kết nối, chia sẻ dữ liệu trên NDXP.
Tổng số giao dịch năm 2023 (tính đến ngày 5/9/2023) là hơn 382,7 triệu giao dịch, trung bình khoảng 1,57 triệu giao dịch/ngày. Kể từ khi đưa vào sử dụng đã có 1,46 tỷ giao dịch chính thức được thực hiện trên NDXP.
Ngoài NDXP, Bộ Thông tin và Truyền thông còn đang triển khai 16 nền tảng số dùng chung toàn ngành để thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước của ngành Thông tin và Truyền thông.
Mặt khác, Bộ Thông tin và Truyền thông liên tục hỗ trợ, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương phát triển các nền tảng số, tập trung vào các nền tảng quản lý, điều hành nghiệp vụ chuyên ngành dựa trên dữ liệu, đồng bộ, thông suốt từ trung ương đến địa phương; Phát triển các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu dùng chung của bộ, ngành, địa phương. Đây là những yếu tố cốt lõi để vận hành chính phủ số.
Nhiều nền tảng/giải pháp số “Make in Vietnam” đang góp phần xây dựng Chính phủ số và công dân số tại Việt Nam. (Ảnh: B.M)
Ở cấp địa phương, thời gian qua, nhiều nền tảng số “Make in Vietnam” cũng đã được triển khai ứng dụng phục vụ xây dựng chính quyền điện tử tiến tới xây dựng chính quyền số.
Điển hình như Nền tảng Dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế (Hue-S), tích hợp nhiều dịch vụ, đối tác để đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dân, từ quy hoạch đất đai, giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế… đến ví điện tử, hóa đơn, chợ số…
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định, Hue-S là nền tảng đặc thù thúc đẩy quá trình xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số của địa phương. Đây sẽ là bộ khung giúp cho hoạt động chuyển đổi số thống nhất, bền vững trong những năm tới.
Một ví dụ khác là Nền tảng DanangChain dựa trên ứng dụng chuỗi khối (Blockchain) vừa được công bố triển khai thí điểm tại Đà Nẵng. Nền tảng này do Công ty Cổ phần Kardia Labs phối hợp triển khai với Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, nhằm thu thập và phân tích 10 nhóm dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành, tạo ra giá trị mới.
Nhiều tiện ích trong đời sống dân sinh
Với định hướng “Lấy người dân làm trung tâm”, rất nhiều nền tảng số “Make in Vietnam” đã giúp người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi trong mọi lĩnh vực đời sống, xã hội như y tế, giáo dục, tài chính, nông nghiệp…
Các nền tảng như học từ xa, khám chữa bệnh từ xa, giao thông thông minh, hội nghị truyền hình… ngày càng được hoàn thiện hơn về tính năng, mở rộng hơn về độ phủ, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số.
Đơn cử, Nền tảng học kỹ năng trực tuyến mở đại trà (MOOCS) tại địa chỉ onetouch.mic.gov.vn cho phép người học truy cập vào bài giảng trực tuyến chất lượng với chi phí thấp, thậm chí miễn phí.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các khóa bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan nhà nước từ trung ương đến cấp xã và phổ cập kỹ năng số cho người dân qua nền tảng này. Kể từ ngày khai trương (đầu tháng 5/2022) tới ngày 4/9/2023, đã có hơn 18 triệu lượt người truy cập MOOCS.
Sàn Postmart.vn là một trong hai nền tảng thương mại điện tử “Make in Vietnam” được Bộ Thông tin và Truyền thông công nhận, khuyến dùng. (Ảnh: B.M)
Hay nền tảng sàn thương mại điện tử Postmart.vn (của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam) thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản vùng miền, OCOP vùng sâu vùng xa.
“Hiện có 52.000 sản phẩm nông sản, đặc sản, OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử này. Khoảng 3 năm nay, đội ngũ của sàn Postmart còn chung tay đào tạo kỹ năng kinh doanh số cho khoảng 5 triệu hộ sản xuất kinh doanh nông nghiệp”, bà Tô Thị Ngọc Hoa, đại diện Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thông tin.
Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hàng loạt nền tảng “Make in Vietnam” đang được triển khai rộng khắp, giúp các doanh nghiệp gia tăng doanh thu, lợi nhuận, mở rộng thị phần.
Ví dụ như: Nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất Amis của Công ty phần mềm Misa; Nền tảng khai phá dữ liệu Viettel Data Mining Platform; Nền tảng FPT akaBot hỗ trợ doanh nghiệp tự động hóa quy trình nghiệp vụ (RPA) với các “trợ lý robot ảo”… Rất nhiều nền tảng “Make in Vietnam” đã “nhanh chân” cập nhật cả những công nghệ tiên tiến nhất như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain), thực tế ảo (VR), thực tế ảo tăng cường (AR)…
Một trong những lợi ích nổi bật nhất của các nền tảng “Make in Vietnam” là giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua nỗi lo ngại “thiếu tiền đầu tư” khi chuyển đổi số. Bởi trước đó, trên thị trường đã có vô số nền tảng số của các nhà cung cấp ngoại, với mức giá khá cao. Những nền tảng, dịch vụ Make in Vietnam chỉ có mức giá bằng 1/2 thậm chí 1/4 so với nền tảng ngoại cùng loại mà chất lượng tương đương, lại dễ sử dụng hơn vì có tính bản địa hóa hơn.
Tại Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước quý III/2023 với các Sở Thông tin và Truyền thông diễn ra trung tuần tháng 9 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã lựa chọn ra 30 nền tảng cung cấp các tính năng cơ bản, miễn phí để phục vụ người dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế số, xã hội số.
Dự kiến trong tháng 9/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ban hành một cuốn cẩm nang hướng dẫn để từng hộ gia đình, từng người dân cũng có thể biết cách sử dụng hiệu quả các nền tảng số.
Triển khai nền tảng số quốc gia còn thiếu quyết liệt
Khoảng 4 năm gần đây, ngày càng xuất hiệu nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghệ “Make in Vietnam” đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: Nghiên cứu tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam. Thị trường 100 triệu dân là cơ hội khá thuận lợi cho sự phát triển của các nền tảng số “Make in Vietnam” do người Việt làm chủ, phát triển trên thị trường Việt.
Tỷ lệ giá trị “Make in Vietnam” trong doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT đã tăng đáng kể, theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông: Năm 2022 ước đạt 27%, tăng 2,35% so với năm 2021. Khoảng 60% số doanh nghiệp làm gia công đã chuyển trọng tâm từ gia công từng công đoạn có giá trị thấp sang làm toàn bộ giải pháp, sản phẩm mang lại giá trị cao.
Có thể thấy, các nền tảng số “Make in Vietnam” đã góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột gồm: Chính phủ số/chính quyền số - Kinh tế số - Xã hội số.
Các nền tảng số “Make in Vietnam” thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam. (Ảnh: B.M)
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc triển khai các nền tảng số quốc gia do các bộ, ngành ở trung ương chủ trì còn chậm, cần quyết liệt hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nền tảng số quốc gia. Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai các nền tảng số quy mô quốc gia.
Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phát triển các nền tảng cho phát triển chính phủ điện tử, thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Dự kiến quý IV/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các bộ, ngành sẽ công bố nền tảng số quốc gia xuất sắc trong từng ngành, lĩnh vực, và năm 2024, các địa phương sẽ xây dựng kế hoạch triển khai sử dụng.
Ở góc nhìn của một nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ Make in Vietnam, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến khuyến nghị, Chính phủ cần có cơ chế chính sách, định hướng việc sẵn sàng sử dụng các giải pháp công nghệ trong nước vào hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức trong nước; Đặt hàng để doanh nghiệp công nghệ giải bài toán cụ thể về phát triển chính phủ số, xã hội số hay kinh tế số.
Có như vậy thì mới giúp cho doanh nghiệp phát triển, vận hành các nền tảng số Make in Vietnam có lợi nhuận, thêm nguồn lực để phát huy năng lực thúc đẩy nhanh và mạnh hơn nữa tiến trình chuyển đổi số quốc gia.